Lợi ích không đồng đều

Thoạt nhìn, sự phát triển của các ứng dụng (app) đặt món, bao gồm đồ ăn thức uống và các sản phẩm có liên quan, có thể giúp cho lĩnh vực ẩm thực hưởng lợi, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Tại quán cà-phê The Booth nằm ngay tại ngã ba đường Nguyễn Thượng Hiền và Nguyễn Văn Đậu tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, một nhóm khách đang trầm trồ món cà-phê kem muối và quay sang “trách” chủ quán sao không đưa món lên app để khách dễ biết đến và tiếp cận nhiều hơn. “Dạ lên app em không lời nổi, anh chị có thương thì lan tỏa dùm cho quán”, chủ quán đáp lại. Nguyên nhân khá đơn giản, hiện nay các app đặt đồ ăn tính phí từ bên bán trong khoảng 25-30%, một món ăn/thức uống giá 100.000 đồng, app chắc chắn có 25.000-30.000 đồng, còn bên bán có lãi nổi hay không thì chưa chắc.

Nhận xét về câu chuyện trên, chuyên gia tài chính Bùi Đăng Bảo khẳng định đây là hiện tượng phổ biến. “Biên lợi nhuận của ngành ẩm thực trước đây khoảng 50% giá bán, tạm gọi là 1 lời 1, nhưng theo thời gian đã rút xuống chỉ còn khoảng 20-30%, do chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng tăng cao. Nhiều trường hợp, bán lãi chỉ đủ trả tiền phí cho app. Như vậy, bán qua app mà có lời thật thì chỉ những quán nhỏ, trong hẻm, chi phí mặt bằng thấp, hoặc những quán ăn không phải chịu chi phí mặt bằng (nhà sẵn có). Như vậy, có sự bất cân xứng về quyền lợi giữa bên kinh doanh ăn uống và bên trung gian, chính là các app”, chuyên gia Bùi Đăng Bảo phân tích. 

Anh Khánh Hoàng, chủ tiệm mì Hoàng Ký nổi tiếng tại quận Bình Thạnh làm rõ thêm: Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có quán lớn, nhiều khách thì bán qua app mới có lời, thực tế thì không phải. Việc các app tính phí 25-30% thậm chí còn khiến cho một số món ăn bán ra bị lỗ. Nói đơn cử như những phần ăn đặc biệt, có giá cao, chất lượng nguyên vật liệu đặc biệt thì biên lợi nhuận sẽ thấp xuống và không thể bù đắp nổi các loại chi phí, trong đó có phí  trả cho app.

Rõ ràng là sự phát triển của các app đặt món đã có rất nhiều tác dụng tích cực, chẳng hạn như “vẽ” lại bản đồ ẩm thực, khách biết được nhiều quán ngon hơn, đặt món tiện hơn… Nhưng dường như đang có sự bất cân xứng về lợi ích giữa bên bán và bên trung gian. Anh Khánh Hoàng hay anh Trần Dương (chủ quán The Booth nêu trên) đều cho biết, không thể trông mong về lâu dài với tỷ lệ tính phí như hiện nay mà mỗi quán phải tự thân, nỗ lực giữ khách quen để tạo ra nguồn thu ổn định và tự tìm kiếm những khách mới để mở rộng doanh số. “Không loại trừ khả năng, các quán lớn, khi có đủ cơ số khách hàng, họ có thể tự tổ chức việc đặt hàng, tự có đội ngũ người giao hàng riêng để phục vụ khách. Với cách này, chỉ cần hàng quán có đội ngũ trực fanpage, và người giao hàng phù hợp thì việc này hoàn toàn khả thi”,  Trần Dương dự báo.