Lãi như... buôn đàn cũ

Trong những năm gần đây, ngành kinh doanh các loại nhạc cụ ăn nên làm ra khi nhu cầu học môn âm nhạc tăng mạnh. Không chỉ có lợi thế về số lượng, các đơn vị kinh doanh nhạc cụ còn thu về suất sinh lời “khủng” trên mỗi mặt hàng của mình.

Thị trường nhạc cụ hiện khá đa dạng về chủng loại, chất lượng nên việc phân loại là không đơn giản. Chẳng hạn, với đàn piano cơ, hơn 90% các loại đàn được mua-bán trao đổi hiện nay là đàn cũ (second hand) với giá từ 20-100 triệu đồng/cây đàn, trong khi 10% còn lại là các loại đàn mới với giá từ 60 triệu đồng, có thể lên đến vài tỷ đồng. Do giá thành cao, nên có thể ước tính piano chiếm đến 80% giá trị giao dịch trên thị trường nhạc cụ, nhưng không vì thế mà các loại nhạc cụ khác thiếu sự hấp dẫn. Đơn cử như đàn guitar giá rẻ (dưới 1 triệu đồng) thì giá thành sản xuất cho khung đàn chỉ tầm 200.000-300.000 đồng/cây khi nhập về và bán ra có thể lãi gấp đôi, trong khi đó giá bán buôn của đàn violon rẻ nhất vào khoảng 1,5-2 triệu đồng/cây nhưng có thể bán ra thị trường từ 3-4 triệu đồng. Như thế, suất sinh lời của các loại nhạc cụ hình như mới chỉ… gấp đôi chứ chưa phải quá cao.

Vậy kênh siêu lời nằm ở đâu?

Thực tế, dù là đàn second hand thì “đẳng cấp” hàng hóa cũng được phân chia khá rõ ràng. Chẳng hạn những đơn vị kinh doanh đàn piano cũ, chất lượng cao thì thường mức lãi trên mỗi sản phẩm từ 3-5/triệu đồng, tương ứng khoảng 10-15% so giá bán. Nhưng với đàn “nát”, loại quá cũ, thì câu chuyện lại khác, vì loại đàn này được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng thấp.

Một cây đàn piano cũ, sau thời gian sử dụng đối với những người biết chơi đàn thì gần như không thể thực hành được nữa nên thường được bán rẻ trở lại với giá 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên, bên mua lại sẽ tiến hành mua lại, vệ sinh, tân trang, đánh bóng vỏ đàn và như vậy hoàn toàn có thể bán được khoảng 15-20 triệu đồng/cây. Vấn đề ở đây là hiện nay, thị trường piano cơ thường định vị đàn dưới 30 triệu đồng/cây là giá rẻ, vì vậy những cây đàn dù kém chất lượng, nhưng nếu người mua không am hiểu thì cũng dễ được tiêu thụ. Số series trên đàn thường được xem là tiêu chí để kiểm tra mức độ “chính hãng” và chất lượng của các loại đàn nhưng thực tế không ít trường hợp là vô hiệu. Bởi đơn giản, một cây đàn số series chỉ hàng trăm nghìn nhưng hoàn toàn có thể được dập thêm 1 chữ số ngay bên cạnh để trở thành hàng triệu. Nguyên tắc là số serie càng lớn, đàn càng mới nên đánh vào tâm lý của người mua đàn, phần lớn là những người mới tập chơi nhạc cụ.

Chính vì lẽ đó mà việc các cửa hàng nhạc cụ mở ra khá nhiều ở mọi loại quy mô. Chỉ cần có thể tiêu thụ được khoảng 5-10 cây piano cơ hoặc piano điện, organ là đã có thể sống khỏe. Nhưng mấu chốt ở đây là chất lượng thì rủi ro lại đang được đẩy về phía người mua.