Kinh doanh vì cộng đồng

Kinh doanh vì cộng đồng không phải là một khái niệm hay ý tưởng mới nhưng chỉ thường xuất hiện rải rác và chưa trở thành một trào lưu, nhưng có thể thời gian tới đây mọi chuyện sẽ thay đổi. Khi mà yếu tố trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp ngày càng được quan tâm, thậm chí là bắt buộc thì các mô hình kinh doanh vì cộng đồng sẽ ngày một nở rộ và được xã hội quan tâm đúng mực.

Sau vài năm cung ứng ra thị trường dòng cà-phê rang xay cao cấp, mới đây Công ty TNHH HH Coffee Buôn Ma Thuột (HH Coffe) đã triển khai mô hình xe bán cà-phê lưu động gắn với lợi ích cộng đồng.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc HH Coffee cho biết, mô hình bán cà-phê lưu động không mới, nhưng khi thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D), HH chú trọng ba yếu tố để tạo ra giá trị bền vững. Thứ nhất, hạn chế sử dụng những nguồn năng lượng tạo ra khí thải nên xe bán cà-phê là xe đạp, máy pha cà-phê sử dụng lực tay. Thứ hai, quy trình chế biến cũng được chuẩn hóa, huấn luyện cho nhân viên kỹ lưỡng để bảo đảm vệ sinh an toàn. Thứ ba, HH chủ động chuyển giao công nghệ tối đa và hỗ trợ cho đối tác từ khi khởi nghiệp đến khi phát triển ổn định.

“Thẳng thắn mà nói, nếu chỉ bán buôn, bán lẻ, hay đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng qua các kênh truyền thống thì rất đơn giản, chi phí không lớn, hiệu quả rõ ràng. Nhưng kinh doanh vì cộng đồng là tâm huyết của bản thân bấy lâu nay nên tôi quyết tâm theo đuổi, dù chi phí R&D là rất lớn”, ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng được nhiều doanh nhân theo đuổi mô hình kinh doanh vì cộng đồng tán thành, nghĩa là ngay từ đầu đã phải có định hướng chứ không phải sau khi kinh doanh một thời gian mới tính tới, vì thách thức lớn gấp nhiều lần mô hình truyền thống.

Ông Trần Hồng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Ô-tô (BVOT) nhớ lại: “Cách đây 10 năm, khi triển khai chương trình ngày hội chăm sóc xe hơi (Car Care Day) nhiều người nói với tôi không khả thi, vì phí thu từ khách hàng thì đem làm công tác xã hội, thù lao tổ chức do các đơn vị tài trợ chi trả. Đây là một sự kiện rất lớn lên đến 500 - 600 xe hơi tham dự nhưng gần như phi lợi nhuận đúng với tiêu chí vì cộng đồng ô-tô Việt mà tôi theo đuổi”.

Một thời gian sau mô hình của BVOT đã nhanh chóng bị sao chép, trong đó có cả những nhãn hàng lớn liên quan tới ngành ô-tô, nhưng cũng “rã đám” rất nhanh sau đó bởi một lý do đơn giản: BVOT làm với tiêu chí vì cộng đồng và phi lợi nhuận, trong khi các đơn vị sao chép chỉ muốn dùng để đánh bóng ngắn hạn, nên không đủ sức theo đuổi con đường dài hơi. So về số lượng cửa hàng (shop), hệ thống âm thanh di động 3Kshop không phải lớn nhất, nhưng lại có một hướng kinh doanh vì cộng đồng, vì khách hàng đúng nghĩa và nhất quán.

Triết lý kinh doanh mà ông chủ của 3Kshop là ông Lý Quốc Khánh theo đuổi là đứng hoàn toàn về phía khách hàng. Theo đó, những mặt hàng được hệ thống này bày bán đều là những sản phẩm tốt nhất trong từng mức giá. Khi mua hàng tại đây, khách hàng đã được shop bảo chứng chất lượng tốt. Thậm chí, những nhãn hàng, nhà cung cấp bảo hành chất lượng kém, không phục vụ khách hàng tận tâm, cửa hàng này cũng từ chối tiêu thụ sản phẩm. Kinh doanh vì cộng đồng cũng sẽ đi kèm với sự hy sinh về nhiều quyền lợi ngắn hạn nhưng sẽ là nền tảng để doanh nghiệp có sức bền trong dài hạn, sức chống chịu với khó khăn tốt hơn hẳn.