Hóa giải áp lực giữ sân nhà

Trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu (NK) tăng mạnh, với giá ngày càng rẻ nhờ được tạo thuận lợi thương mại và giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. 

Việt Nam không chỉ là thị trường NK các loại hàng hóa có giá trị lớn như: ô-tô, máy móc, thiết bị, hàng điện tử…, mà còn đang trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như: rau quả, thịt, cá, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng (HTD), giải trí, đến sản phẩm định hình phong cách sống như: mỹ phẩm, giày dép, sản phẩm may mặc...

Sức ép giữ thị phần hàng Việt tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt do 14 FTA đã đi vào thực thi, nhất là tới đây, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, hàng từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản… vào Việt Nam ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh.

Thực tế, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài. Đó là lý do liên tiếp sáu năm qua, các DN sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản đã hướng đến Việt Nam. Các DN Nhật Bản không giấu tham vọng khi đưa các sản phẩm HTD chất lượng, nổi trội, để tận dụng sức mua tăng nhanh của thị trường Việt Nam.

Tương tự, hàng Thái-lan cũng tạo áp lực lớn lên hàng Việt trên “sân nhà”, khi được sự hậu thuẫn từ hệ thống bán lẻ của DN Thái-lan tại Việt Nam, như: siêu thị MegaMarket, Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi Bmart, Robinson...

Trước áp lực của “cơn lốc” hàng NK, vẫn có nhiều DN Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, thí dụ như các thương hiệu: Vinamilk, Nutifood, TH True Milk… những thương hiệu thực phẩm, HTD được người Việt lựa chọn nhiều nhất. Các DN này liên tục mở rộng quy mô; kết quả kinh doanh ở cả trong và ngoài nước đều tăng trưởng cao. Đơn cử, sáu tháng đầu năm 2021, Vinamilk đạt doanh thu 28.906 tỷ đồng, trong đó, thị trường trong nước đóng góp tới 24.430 tỷ đồng…

Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN Việt đã sáng tạo ra những sản phẩm mới chinh phục thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản mùa dịch. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường mở cửa đồng nghĩa với việc hàng hóa của DN trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn. Trong bối cảnh đó, DN Việt cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng trong nước, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là với nhóm hàng nông-lâm-thủy sản, tối ưu hóa hệ thống phân phối, tận dụng lợi thế chi phí vận chuyển để đưa hàng Việt bao phủ thị trường, hiện diện trong nhiều kênh phân phối nhằm cạnh tranh với hàng NK.

Theo ông Vũ Vinh Phú, những điểm yếu mà ngành sản xuất trong nước cần phải khắc phục để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế ngay tại sân nhà khi hội nhập như: công nghệ sản xuất, chất lượng hàng hóa, lưu thông, kiểm soát hàng giả, hàng nhái… Chỉ có như vậy, DN Việt mới có thể dần hóa giải áp lực giữ sân nhà và vững vàng hướng ra biển lớn!