Hộ chăn nuôi thua lỗ

Ngay từ những ngày đầu tháng 5-2021, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng giá bán. Cụ thể, các DN như: C.P, Cargill, Guyomarc’h-VCN, Vina , BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam… đã có thông báo chính thức gửi đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ đầu tháng 5-2021... 

Trên thị trường, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, giá gà thịt vẫn dưới giá thành sản xuất. Vì vậy, việc thức ăn chăn nuôi tăng giá càng khiến cho người chăn nuôi đối mặt nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

Nông dân chăn nuôi ở khắp các địa phương “đứng ngồi không yên” vì giá thịt lợn hơi đang giảm từng ngày. Đơn cử, tại miền bắc, ngày 12-5 ở nhiều địa phương, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn 64.000 đồng/kg như: Lào Cai và Bắc Giang, nơi cao nhất Hà Nội cũng chỉ còn 67.000 đồng/kg. So một ngày trước đó, ngày 11-5, giá lợn hơi tại Hà Nội đã giảm 2.000 đồng/kg. Trong khi vào tháng 4-2021, giá lợn hơi xuất chuồng ở toàn miền bắc dù đã giảm, nhưng vẫn giữ ở mức 70.000 đồng đến 76.000 đồng/kg...

Thực tế, đối với chăn nuôi gia cầm, nông dân đã lâm vào tình cảnh thua lỗ suốt nhiều tháng qua, vì giá xuất chuồng liên tục thấp dưới giá thành sản xuất. Chưa kịp gượng dậy sau tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi, nông dân nhiều địa phương lại đối mặt nguy cơ phá sản bởi chi phí sản xuất quá cao. 

Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang bị ảnh hưởng, khó khăn tăng cao. Giá lợn hơi xuất chuồng đang giảm từng ngày, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng cao khiến nông dân không khỏi thắc thỏm, cân nhắc cẩn thận khi tính chuyện đầu tư tái đàn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Trọng, từ tháng 10-2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng đến năm - sáu đợt, với mức tăng bình quân trong sáu tháng qua lên đến 30 - 35%. Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 80 - 85% trong giá thành chăn nuôi. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Trọng khuyến cáo, lúc này, nông dân chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi. Nếu có thể, giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp, giảm sử dụng ngô trong chăn nuôi vì đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như: sắn, gạo, cám… có giá mua thấp hơn.

Vấn đề đặt ra, nếu giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng cao, việc tái đàn thu hẹp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn rất phức tạp như hiện nay, nguồn cung nào đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, gia cầm của thị trường?

Thiết nghĩ, ngay lúc này, các cơ quan chức năng cần kịp thời có giải pháp thỏa đáng, tránh lâm vào thế bị động do thiếu hụt nguồn cung trong tương lai không xa!