Giải pháp khả thi

Nhận định về xu hướng giảm giá thép trong những ngày gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đây chỉ là mức giảm tạm thời. Thực tế, giá thép vẫn đang ở mức khá cao, bởi thời điểm này đang bước vào mùa mưa, các công trình sẽ giảm thi công khiến giá giảm theo cung cầu.

Khi bước vào những tháng cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng trở lại.

Trong kiến nghị gửi lên Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu (NK) một số nguyên liệu đầu vào của ngành thép, Bộ Công thương cũng thừa nhận, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay phần lớn phải NK và phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Dự kiến trong năm 2021, giá các loại nguyên liệu đầu vào này vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực do sự bất ổn từ giá nguyên liệu đầu vào mà Việt Nam buộc phải NK, Bộ Tài chính cũng nhận định: “Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, ảnh hưởng đến công tác quản lý thu chi, dự toán, dự phòng và cân đối ngân sách chung”.

Theo đó, để góp phần hạ giá mặt bằng thép xây dựng, thúc đẩy các DN giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 5 - 10% thuế NK một số sản phẩm thép xây dựng, góp phần hạ giá mặt bằng thép xây dựng. Đồng thời, tăng thuế suất xuất khẩu (XK) phôi thép lên 5% nhằm ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước...

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế NK đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có một số ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu NK các loại sắt thép này hiện nay là không cao, trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc XK phôi thép giữ cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép.

Về lâu dài, biện pháp khả thi nhất để bình ổn thị trường thép là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các DN sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào NK, qua đó hạn chế sự tăng giá thép không kiểm soát. Song để tạm thời ổn định giá thép trong nước, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ sự bất ổn giá thép, phôi thép trên thị trường quốc tế, biện pháp can thiệp bằng chính sách thuế là giải pháp khả thi.