Dậy sóng sau thương vụ “tỷ đô”

Sau rất nhiều đồn đoán, vào cuối tháng 4-2021, thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit giữa VPBank và Công ty tài chính tiêu dùng (CTTCTD) SMBC CF thuộc Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) đã chính thức hoàn tất với giá trị chuyển nhượng lên tới 1,4 tỷ USD, mức cao nhất trong ngành tài chính - ngân hàng (NH) tại Việt Nam từ trước tới nay.

Mặc dù thông tin về thương vụ đã được đồn đoán từ khá lâu nhưng theo nhiều chuyên gia, giá trị của thương vụ là một sự “bất ngờ” bởi trước đó hàng loạt vụ bán CTTCTD với cùng tỷ lệ cho đối tác nước ngoài chỉ xoay quanh con số khoảng… 200 triệu USD.

Theo giới quan sát, thực tế nhiều năm trở lại đây, FE Credit luôn nắm giữ hơn 50% thị phần và luôn là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank khi đóng góp 45 - 50% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của NH giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, thương vụ thành công không chỉ nhờ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp (DN) mà còn bởi nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản coi trọng những lợi thế đầu tư của Việt Nam. Bởi trong nhiều năm nay, các NĐT nước ngoài vẫn có xu hướng quan tâm lĩnh vực NH Việt Nam, đặc biệt là TCTD.

Ngoài VPBank, gần đây, rất nhiều NH cũng thông báo về kế hoạch bán CTTCTD cho đối tác “ngoại” như SHB muốn thoái vốn tại SHB Finance hay MSB muốn thoái 50% vốn tại CTTCTD. Mặc dù các thương vụ đang bị chững lại vì dịch Covid-19 song theo nhiều nguồn tin, tất cả các CTTCTD trực thuộc NH kể trên đều được các đối tác “ngoại” tấp nập hỏi mua.

Ngoài sự quan tâm của đối tác nước ngoài, việc mua bán và sáp nhập (M&A) các CTTCTD còn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ bởi sự quan tâm của nhiều đối tác trong nước. Thời gian qua, rất nhiều NH trong nước cũng đã nhiều lần hé lộ kế hoạch “săn tìm” và mua lại CTTCTD, như: TPBank, ACB, OCB...

Theo đại diện Công ty luật VINAF, DN đã đón tiếp rất nhiều NĐT là các tập đoàn lớn có quan tâm việc mua cổ phần các CTTCTD ở Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, việc M&A CTTCTD sẽ diễn ra sôi động hơn so lĩnh vực NH do các điều kiện mà Chính phủ đặt ra đỡ khắt khe hơn.

Mặc dù thị trường M&A trong lĩnh vực này đã sôi động trở lại với thương vụ đình đám “tỷ đô”, song theo nhiều chuyên gia, thị trường chỉ thật sự ấm trở lại sau năm 2021. Bởi dịch Covid-19 khiến chất lượng tài sản của các CTTCTD sụt giảm trong khi nhiều đối tác chiến lược buộc phải cân đối lại dòng.

Thực tế, TCTD vẫn luôn là “miếng bánh ngon” trong mắt nhiều NĐT. Tuy nhiên, M&A trong lĩnh vực TCTD phụ thuộc rất lớn vào việc nền kinh tế Việt Nam phục hồi ra sao, vì kinh tế có hồi  phục thì vay tiêu dùng mới phát triển. Theo các chuyên gia, sớm nhất cũng phải sau năm 2021, tình hình kinh tế mới khả quan và khi đó, M&A trong lĩnh vực này mới có thể ấm trở lại.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, ngoại trừ FE Credit được “hưởng lợi” từ những giá trị cộng hưởng, các NH khác cũng không “sẵn lòng” bán rẻ CTTCTD để đẩy nhanh các thương vụ M&A. Bởi mảng TCTD vẫn là miếng bánh màu mỡ mà nhiều NH cất làm “của để dành”, chỉ bán khi giá cả thị trường thuận lợi.