Chíp “nóng” chỉ trong ngắn hạn?

Sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung bộ vi mạch (chip) ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các hãng ô-tô và các hãng công nghệ trên khắp thế giới. 

Giải pháp được nhiều người nghĩ tới là xây mới hoặc tăng năng lực sản xuất chip. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện ngay, vì thế, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu sẽ còn kéo dài ít nhất sang năm 2022.

Thực tế, sản xuất chip rất khó vì đòi hỏi mức độ tinh vi cao độ, bởi vậy, cần nhiều thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các nhà máy sản xuất, cùng hàng tỷ USD vốn đầu tư. Sản xuất một con chip cụ thể thường cần hơn ba tháng, tùy vào độ phức tạp và được tiến hành trong những nhà máy khổng lồ, những phòng sản xuất tuyệt đối sạch, không có bụi.

Trong ngành sản xuất chip, để không bị thua lỗ, thì phải có tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn hơn 90% lượng sản phẩm sản xuất ra. Lý do này và những lý do trên giải thích tại sao chỉ có một vài hãng sản xuất tiếp tục chi phối ngành sản xuất chip. Do yêu cầu cao, nên nhiều nước muốn tự chủ về chip mà không được. 

Một đặc điểm trong cơn khủng hoảng chip hiện nay là sự thiếu hụt chip cấp thấp. Các hãng sản xuất chip lớn thế giới đang nỗ lực chạy đua sản xuất các chip tiên tiến dùng cho những sản phẩm và công nghệ như 5G và máy chủ. Năm 2020, có tới 27% vốn đầu tư vào thiết bị sản xuất chip được dành cho sản xuất các loại chip tiên tiến nhất. Chỉ có dưới 11% vốn đầu tư này dành cho sản xuất các loại chip thương mại thông thường.

Xu hướng đầu tư thiên lệch như vậy làm cho các nhà sản xuất trở tay không kịp với sự thiếu hụt các chip cơ bản dùng trong các sản phẩm thấp cấp hơn về công nghệ như ô-tô, màn hình máy tính, loa và đồ điện gia dụng. Việc dịch chuyển năng lực sản xuất chip cao cấp sang thấp cấp hơn không dễ, bởi mỗi loại chip đòi hỏi những thiết bị khác nhau để sản xuất.

Sự thiếu hụt chip còn được khuếch đại bởi căng thẳng Mỹ - Trung, nhất là trong năm 2020, khi Mỹ hạn chế xuất khẩu chip do Mỹ thiết kế hoặc chế tạo sang Trung Quốc. Việc này gây ra nạn mua tích trữ số lượng lớn chip của các công ty Trung Quốc, làm sụp đổ chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay, trước khi bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư tăng năng lực sản xuất, thì các hãng sản xuất lớn phải trả lời được câu hỏi: Liệu sự tăng vọt về nhu cầu còn kéo dài bao lâu?

Nếu sự tăng vọt này chỉ là ngắn hạn, thì nhiều nhà sản xuất sẽ không muốn bỏ vốn đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, về phía cầu, nhiều người cho rằng, cầu tăng vọt hiện nay chỉ là ngắn hạn, gây ra chủ yếu bởi sự hoảng sợ của người mua, khi họ tăng lượng đặt hàng và đặt hàng cùng lúc với nhiều nhà cung cấp. Bởi vậy, một số nhà cung cấp chip đã phải áp dụng các biện pháp như không cho phép hủy đơn đặt hàng để ngăn cản một số khách hàng đặt hàng kiểu dự phòng.