VN Index xác lập đỉnh mới

Dòng tiền có dấu hiệu chốt lời ở các mã cổ phiếu (CP) nhỏ và vừa đã tăng nóng mấy phiên vừa qua để trở lại với nhóm blue chip, nhất là CP ngân hàng (NH), giúp VN Index hướng tới đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường (TT) đang giảm dần.

Bước vào phiên chiều 22-6, lực cầu tốt đầu phiên kéo VN Index vượt qua ngưỡng 1.385 điểm. Ảnh: NAM ANH
Bước vào phiên chiều 22-6, lực cầu tốt đầu phiên kéo VN Index vượt qua ngưỡng 1.385 điểm. Ảnh: NAM ANH

Trong phiên đầu tuần, ngày 21-6, TT đã không nối tiếp được đà đi lên suôn sẻ sau khi VN Index phá đỉnh lịch sử cuối tuần trước. Lý do một phần vì TT quốc tế diễn biến xấu, phần còn lại là lực chốt lời vẫn còn nhiều... 

Điều gây tò mò cho nhà đầu tư (NĐT) ở phiên cuối tuần trước là đà tăng giá khá ấn tượng xuất phát từ lực mua thật, hay chỉ là hiệu ứng bất ngờ từ phía các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu?

Một điều rõ ràng là chỉ thấy khối NĐT nước ngoài mua ròng mạnh trong phiên hôm thứ sáu, ngày 18-6, nhưng nhiều CP đáng ra phải bán, đã không ghi nhận bán ròng. VN Index cuối tuần trước đã đóng cửa ở đỉnh cao lịch sử mới. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, vẫn chưa thể coi là chỉ số bùng nổ vượt đỉnh, vì TT hoàn toàn có thể chỉ hưng phấn một phiên. 

Mặt khác, VN30 Index đã không tăng tương ứng với VN Index. Vì vậy, có thể các blue chip suy yếu sẽ lại kéo chỉ số xuống. Diễn biến này đã xảy ra, khi nhiều CP lớn đã giảm trong phiên này. VN Index chỉ là tổng hợp giá của CP và chịu ảnh hưởng nhiều từ các mã lớn. Vì vậy, VN Index có đỉnh cao lịch sử mới không có nghĩa là CP phải tăng.

Cụ thể, VCB sụt giảm tới 1,75%, BID giảm 2,49%, HPG giảm 1,73%, CTG giảm 1,76%, VNM giảm 1,63% là năm CP lớn kéo VN Index lùi lại. Trong số này, VCB có phiên kiểm định đỉnh cao lịch sử hồi đầu năm 2021 và đã không vượt qua được. Cả bốn CP còn lại đều đang “rập rình” ở vùng giá thấp hơn đỉnh ngắn hạn. Một CP khác góp sức của VCB đưa VN Index vượt đỉnh phiên trước là VHM, phiên này cũng lùi giá khi không vượt được đỉnh cao của chính mình.

VN30 Index đóng cửa phiên đầu tuần đã giảm 0,2%, không nhiều, nhưng các mã trụ cột đa số là giảm. GAS tăng 0,32% là CP duy nhất thuộc nhóm vốn hóa lớn còn tăng. Chín CP tăng còn lại trong rổ blue chip này cũng có một số mã rất mạnh như: MSN tăng 2,07%, NVL tăng 5,83%, PLX tăng 3,72%, nhưng sức ảnh hưởng rất hạn chế.

Một điều rất rõ ràng với các NĐT, là VN Index do trụ đẩy lên thì cũng có thể mất điểm do trụ, các CP còn lại giao dịch thế nào ít quan trọng. Phiên này là VCB, BID gần như triệt tiêu hết nỗ lực tăng giá của các CP khác. 

Việc chỉ số VN Index vượt đỉnh lịch sử không chắc sẽ khởi động được một làn sóng tăng giá mới đối với CP. Điều này đã tồn tại từ nhiều tháng trước, khi VN Index liên tục xu hướng tăng giá do nhóm CPNH kéo lên. Các mã CPNH lúc này là gánh nặng cho chỉ số khi giá điều chỉnh.

Áp lực ngắn hạn này thuần túy do nhu cầu mua bán hằng ngày của NĐT, không liên quan đến triển vọng cơ bản ở CP. Thực tế vẫn là những CPNH đó, vẫn các triển vọng như cũ mà cách đây vài tháng đẩy giá tăng vùn vụt. Lúc này triển vọng không thay đổi, nhưng kỳ vọng thay đổi: Một bộ phận NĐT hài lòng đang chốt lời, trong khi không có quá nhiều NĐT hào hứng mua như trước.

Việc VCB quay đầu giảm đã là một tổn thất lớn cho VN Index trong phiên đầu tuần, nhưng lại là “trạng thái bình thường” của NĐT đang giao dịch tại đây. Giá bật lên nhanh trong vài phiên thì họ chốt lời. Các NĐT này không quan tâm việc VN Index vượt đỉnh. Rất nhiều CP lớn khác cũng trong trạng thái tương tự.

Phiên này giao dịch bất ngờ của NĐT nước ngoài cũng cho thấy việc đánh giá sự đảo chiều của dòng vốn này cần xem lại. Tuần trước, nhờ ba phiên mua ròng khá cao, đặc biệt là phiên cuối tuần qua, nên khối ngoại được ghi nhận mua ròng cả tuần. Sự thay đổi trong một tuần như vậy chưa chắc đã đánh dấu sự đảo chiều dòng vốn, vì thời gian quá ngắn, lại trùng vào đợt tái cơ cấu của hai quỹ ETF ngoại. 

Dòng tiền có dấu hiệu chốt lời ở các mã CP nhỏ và vừa đã tăng nóng mấy phiên vừa qua để trở lại với nhóm blue chip, nhất là CPNH, giúp VN Index hướng tới đỉnh lịch sử mới. Trong phiên đầu tuần, VN Index chủ yếu giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp. Khi áp lực bán gia tăng ở nhóm blue chip đầu phiên chiều đầu tuần đã khiến VN Index giảm mạnh, nhưng nhờ con sóng lớn ở các CP nhỏ và vừa, nên mốc 1.370 điểm vẫn được giữ vững.

Thực tế, lực mua mạnh và dứt khoát trong phiên sáng 22-6 đã xóa đi tâm lý nghi ngại trước đó khi VN Index bứt tốc mạnh và vượt xa đỉnh lịch sử. Vẫn còn đâu đó sự thận trọng nhất định của các NĐT, tuy nhiên, cơ hội chinh phục các nấc thang cao hơn cho VN Index đã mở ra. Ngay đầu phiên giao dịch sáng 22-6, lực mua mạnh khi mở cửa đã kéo vọt VN Index lên hơn 1.382 điểm. Dù có những lúc rung lắc, nhưng với sự trở lại của nhóm blue chip, nhất là nhóm CPNH, bất động sản, chỉ số đã lấy lại đà tăng mạnh, giao dịch đóng cửa trên ngưỡng 1.382 điểm.

Bước vào phiên chiều 22-6, lực cầu tốt đầu phiên kéo VN Index vượt qua ngưỡng 1.385 điểm, xác lập mức đỉnh của ngày. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, áp lực chốt lời gia tăng, trong khi lực cầu có phần dè dặt khiến đà tăng bị hãm lại, VN Index mất mốc 1.380 điểm khi đóng cửa phiên.

Dù không giữ được mốc 1.380 điểm, nhưng VN Index vẫn xác lập mức điểm đóng cửa cao lịch sử mới trong phiên này khi đóng cửa, VN Index tăng 7,34 điểm, lên mốc 1.379,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 747 triệu đơn vị, giá trị hơn 22.393 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 1% về giá trị so phiên đầu tuần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản TT đang giảm dần.