VN Index phá ngưỡng cản

Với dòng tiền tham gia khá tích cực cùng những tín hiệu khởi sắc ở dòng cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH), chỉ số VN Index đã chinh phục thành công mốc 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 17/9. Phiên này, dòng tiền cũng mở rộng ở nhiều CP nhóm ngành, giúp số mã tăng điểm chiếm ưu thế với 280 mã trên sàn HoSE, trong đó có 29 mã tăng trần.

VN Index đã chinh phục thành công mốc 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Ảnh: NAM ANH
VN Index đã chinh phục thành công mốc 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, trong phiên ngày 16/9, thị trường (TT) đón nhận cú sốc khá lớn khi mã VIC bất ngờ bị nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bán mạnh. Sức ép lớn khiến VIC sụt giảm thủng đáy bảy tháng. Mức giảm sâu ở một trong những CP lớn nhất TT tạo nguy cơ đẩy VN Index vào trạng thái nguy hiểm...

Giá giảm nhiều trong hơn năm tháng qua khiến quy mô vốn hóa của VIC đã tụt xuống dưới VCB. Tuy vậy, VIC vẫn là CP lớn thứ 2 trên TT. Đà giảm mạnh này của VIC đi liền với áp lực bán ra lớn của NĐT nước ngoài. Khối này khống chế hoàn toàn thanh khoản của VIC, gần như chỉ bán ra cho NĐT trong nước mua vào. Tổng giá trị bán ròng tại VIC lên đến 1.144 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng kỷ lục tại VIC mà hầu hết là qua giao dịch khớp lệnh. Loại giao dịch này là tung hàng ra thẳng trên sàn, gặp cầu thì khớp. Do đó, nếu khối lượng bán quá lớn sẽ làm “ngập lụt” TT khiến NĐT bất an. Thực tế đến 10 giờ sáng 16/9, giá của VIC đã “bốc hơi” 3,94% giá trị.

VIC tạo sức ép lớn lên VN Index và khiến chỉ số này ngay từ sáng 16/9 đã có nhịp giảm nhẹ. Đến chiều chỉ số còn giảm nhiều hơn dù VIC không giảm thêm. Mức sâu nhất VN Index chạm tới là 1.341,23 điểm. Tuy nhiên, thú vị nhất là thời điểm cuối phiên, khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn lúc các chỉ số trong trạng thái ngấp nghé tăng. Nếu VIC vẫn giảm thì nguy cơ cao là các chỉ số cũng giảm.

Nhóm CPNH bật lên khá cao. Các CP này được đẩy giá vọt lên ở đợt ATC, bù đắp mức giảm sâu của VIC và VHM. VN Index đóng cửa trên tham chiếu 0,04 điểm, nhưng vẫn được tính là tăng. VN30 Index đáo hạn phái sinh với mức tăng 4,13 điểm, tương đương 0,29%. TT được coi là tăng trong phiên này nếu nhìn vào chỉ số. Tuy nhiên, nếu không có phiên đáo hạn phái sinh, tình hình sẽ trở nên khó đoán hơn.

Khá nhiều CP blue chip được kéo từ giảm thành tăng hoặc từ tham chiếu thành tăng trong giao dịch cuối cùng của phiên ATC. Nói cách khác, việc chỉ số tăng, TT phiên này có yếu tố thời điểm.

Thanh khoản phiên này rất nhỏ, đặc biệt trong thời điểm CP được đẩy giá lên. Thí dụ, VN30 phiên chiều 16/9, giao dịch chưa tới 3.000 tỷ đồng. Tổng thanh khoản sàn HoSE cả phiên tụt xuống 16.700 tỷ đồng, mức thấp nhất ba tuần.

Thông thường ở các phiên đáo hạn phái sinh, diễn biến giá các blue chip rất khó đoán trong đợt đóng cửa. Thí dụ, hàng loạt mã CPNH được đẩy mạnh lên đã bù đắp hiệu quả cho việc giảm giá của VIC. Vấn đề là một giao dịch đột biến mang tính thời điểm như vậy không có nghĩa là sức mua bền vững. 

Thanh khoản ngày càng giảm chưa thể hiện được biến động chỉ số mỗi ngày. VN Index có thể lên xuống nhưng không thay đổi xu hướng đi ngang. Vì vậy, cơ hội tăng vẫn chia đều cho rủi ro điều chỉnh.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 17/9, sự khởi sắc của nhóm CP blue chip đã giúp VN Index dễ dàng vượt mốc 1.350 điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, đây vẫn là chốt chặn của TT. Chỉ số VN Index trở lại trạng thái giằng co quanh vùng giá 1.350 điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục. TT giao dịch phân hóa với số lượng các mã tăng giảm khá cân bằng, trong đó nhóm VN30 có biến động khá hẹp. Dòng tiền vẫn tiếp sức cho cuộc chạy đua của các CP vừa và nhỏ. Điển hình là HNG bất ngờ có cú nhảy vọt trong phiên sáng 17/9 và nhanh chóng chạm trần, với thanh khoản tăng vọt, lên tới hơn 20 triệu đơn vị chỉ sau khoảng một giờ giao dịch cùng khối lượng dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, thành viên mới của “hệ sinh thái Louis” là TDH tiếp tục nóng lên với khối lượng dư mua trần chất đống lên tới hơn 22 triệu đơn vị tại thời điểm này. Trái lại, những CP khác như: DDV, BII, APG tiếp tục giảm sàn, TGG trong phiên sáng 17/9 cũng xuất hiện áp lực bán chốt lời mạnh và có thời điểm cũng nằm sàn với biên độ dao động tới 14%.

Mặc dù chưa có sức bật mạnh nhưng với dòng tiền tham gia khá tích cực cùng những tín hiệu khởi sắc ở dòng CPNH, chỉ số VN Index đã chinh phục thành công mốc 1.350 điểm. Chỉ số đã có phiên tăng trong ngày cuối tuần qua nhờ mức tăng tốt và thanh khoản ủng hộ với gần 26.000 tỷ đồng khớp lệnh riêng trên sàn HoSE, mức cao nhất trong tám phiên trở lại đây. Đồng thời, VN Index cũng phá ngưỡng cản 1.350 điểm mà nhiều lần không vượt qua được trong hai tuần qua.

Phiên này, dòng tiền vẫn tiếp tục mở rộng tham gia nhiều nhóm ngành giúp số mã tăng điểm chiếm ưu thế với 280 mã trên sàn HoSE, trong đó có 29 mã tăng trần. Còn toàn TT ghi nhận 544 mã tăng, trong đó có 167 mã tăng trần và chỉ còn 303 mã giảm điểm, trong đó có 28 mã sàn. Đóng cửa, trên sàn HoSE, VN Index tăng 6,77 điểm, đứng ở mức 1.352,64 điểm. 

Điểm đáng chú ý nhất trong phiên này nằm ở nhóm CPNH khi đây là nhóm đóng vai trò quan trọng để chỉ số tăng vượt ngưỡng cản 1.350 điểm. Trong suốt một tháng trở lại đây, TT vận hành theo cách “bỏ qua” nhóm CP chiếm tỷ trọng lớn trong VN Index, dòng tiền lan tỏa tới các nhóm ngành khác, tập trung nhiều vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Nhưng cũng chính bởi sự níu kéo của nhóm CPNH mà chỉ số rất khó tăng mạnh.