VN Index lập đỉnh mới

Sau một thời gian giao dịch thông suốt, ba phiên gần đây, hiện tượng nghẽn lệnh lại tái diễn trên sàn HoSE khi thanh khoản qua ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Trong phiên chiều 25-5, hiện tượng này cũng xuất hiện, nhưng điều đó không ngăn cản được đà tăng mạnh của VN Index, khi chỉ số này nhận được sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) và thép, tuy nhiên sự phân hóa ngày một rõ nét.

Phiên chiều 25-5, VN Index xác lập đỉnh cao lịch sử mới. Ảnh: NGUYỆT ANH
Phiên chiều 25-5, VN Index xác lập đỉnh cao lịch sử mới. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hiện tượng phân hóa trong nhóm blue chip từ cuối tuần trước đã tiếp diễn trong phiên đầu tuần này, ngày 24-5, nhưng không gây trở ngại nhiều cho đà đi lên của chỉ số VN Index. Chỉ số này bắt đầu được các trụ đơn lẻ kéo lên mạnh, vượt xa chỉ số VN30 Index. Những ngày huy hoàng của chỉ số VN30 dường như đã kết thúc. Những CP lớn kéo chỉ số này đang suy yếu và nhiều mã quay đầu giảm. Trong khi đó những CP lớn của VN Index lại bùng nổ, tạo lực đẩy ấn tượng.

VN Index kết thúc phiên đầu tuần với mức tăng 1,09%, trong khi VN30 Index tăng rất yếu 0,38%. Ngoài ra, chỉ số đại diện nhóm Midcap cũng tăng 1,87%, chỉ số đại diện nhóm Smallcap tăng 1,33%. Có thể thấy sự thay đổi rõ nét, khi VN30 không còn là chỉ số sinh lời tốt nhất TT nữa. Đà tăng huy hoàng từ đầu tháng 4 đến nay đã không còn, do nhiều CP trụ của chỉ số này đã dừng lại.

VPB là CP kém nhất rổ VN30 khi quay đầu giảm 1,62% so tham chiếu. VPB hiện đang là CP vốn hóa lớn nhất VN30 Index do có đà tăng giá tới gần 52% chỉ từ đầu tháng 4 đến cuối tuần trước. Vốn hóa tăng gấp rưỡi chỉ trong chưa đầy hai tháng đã giúp CP này vượt qua hàng loạt mã lớn khác trong VN30 như HPG, TCB, thậm chí là VIC, VNM.

Phiên này, VPB sụt giảm mạnh do áp lực chốt lời rất cao. Tuy thanh khoản chưa đến ngưỡng kỷ lục, nhưng VPB vẫn là mã giao dịch nhiều nhất TT với hơn 39,7 triệu CP, tương đương giá trị 2.637,8 tỷ đồng. Chỉ trong ba phiên gần nhất (tức là chưa đủ một vòng T+3) VPB đã sang tay gần 117 triệu CP, tương đương 4,76% tổng khối lượng niêm yết.

Đà tăng giá mạnh của CP này cũng kích thích hành động chốt lời. Hiếm có blue chip nào đạt ngưỡng thanh khoản lớn như vậy mà giá lại tăng liên tục. Rất nhiều tổ chức lớn đã tham gia giao dịch VPB khiến mã này tăng như một CP đầu cơ. Trong bảy phiên gần nhất, VPB không tăng giá nổi (biến động + 0,15%) nhưng khối lượng giao dịch tổng hợp tới 270 triệu CP. Ngược lại, CTG trở thành CPNH đáng chú ý nhất phiên này với mức tăng 6,11%. CTG dường như đang lặp lại đà tăng của VPB, khi chỉ từ đầu tháng 5 tới nay đã lên giá 25,5%. Phiên này, riêng mức tăng của CTG đã khiến VN Index có được hơn ba điểm.

VN Index bắt đầu tăng điểm mạnh hơn VN30 Index là một tín hiệu cho thấy đang có hiện tượng thay đổi CP trụ trên TT. Dĩ nhiên các mã vốn hóa lớn nhất TT vẫn tập trung tại nhóm VN30, nhưng cơ cấu ảnh hưởng lại khác nhau giữa hai chỉ số. VN Index đóng cửa phiên này đã đạt 1.297,98 điểm, rất sát mốc 1.300 điểm. Cơ hội đẩy chỉ số lên cao hơn phụ thuộc các mã lớn có khả năng tăng thêm. Chẳng hạn CTG đang vượt lên đỉnh lịch sử mới, do đó cơ hội tăng sẽ còn kéo dài chừng nào gặp hiện tượng xả giống VPB trong nhiều phiên. VNM cũng vừa phục hồi từ đáy. VHM cũng có cơ hội tăng tiếp để kiểm định đỉnh cũ...

Nhóm CP vốn hóa nhỏ giao dịch sôi động trong phiên cũng nhờ hiệu ứng chững lại của các blue chip. Dòng tiền đột biến ở nhóm Midcap với giao dịch lớn tại DXG, NLG, HSG, DIG. Tới ba phần tư các mã này đều tăng giá cực mạnh, trong đó DXG kịch trần. Tuy nhiên, nhóm Midcap hay Smallcap gần như vô hiệu trong việc lèo lái VN Index.

Chỉ sau ít phút mở cửa có phần ngập ngừng, dòng tiền chảy tương đối tốt vào một số trụ cột đã giúp VN Index bật nhanh lên gần 1.305 điểm trong phiên giao dịch sáng 25-5. Nhưng sau đó, áp lực bán lại xuất hiện mạnh khiến chỉ số giảm về gần tham chiếu, trước khi thêm một nhịp bật trở lại lên trên vùng 1.300 điểm sau hơn một giờ giao dịch.

Sự phân hóa ngày một rõ nét trên bảng điện tử, có thời điểm sàn HoSE có sự cân bằng tuyệt đối với 190 mã tăng và 190 mã giảm, trong khi ở nhóm blue chip, hai sắc xanh đỏ cũng chia đôi đường. Điểm nhấn vẫn thuộc về các CPNH như TPB, VCB, STB, TCB, khi tăng từ 2 đến hơn 3%, cùng MSN tiếp tục nhích lên với thông tin mới đến từ việc công bố thương vụ mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage với mức giá 15 triệu USD…

Với sự hỗ trợ của các trụ chính, VN Index giao dịch ổn định trên ngưỡng 1.300 điểm ở nửa sau của phiên và có nhịp nảy lên hơn 1.305 điểm vào những phút cuối phiên sáng 25-5.

Sự khởi sắc của nhóm CPNH và thép đã giúp VN Index nhẹ nhàng chinh phục mốc 1.300 điểm, thiết lập đỉnh cao lịch sử mới khi chốt phiên 25-5. Cụ thể, bước vào phiên giao dịch chiều 25-5, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào hai nhóm trụ này, sau đó lan tỏa dần ra một số mã khác, giúp VN Index nới rộng đà tăng.

Tuy nhiên, sau thời gian giao dịch thông suốt, ba phiên gần đây, hiện tượng nghẽn lệnh lại tái diễn trên sàn HoSE khi thanh khoản qua ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Trong phiên chiều 25-5, hiện tượng này cũng xuất hiện, nhưng điều đó không ngăn cản được đà tăng mạnh của VN Index khi chỉ số này được trợ giúp đặc lực của nhóm CPNH và thép, cùng sự trở lại của nhóm chứng khoán và một vài mã trụ khác, trong đó có VIC. 

Đóng cửa phiên này, VN Index lên mức cao nhất ngày và cũng xác lập đỉnh cao lịch sử mới. Cụ thể, chỉ số VN Index tăng 10,6 điểm, lên ngưỡng 1.308,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 679,1 triệu đơn vị, giá trị 21.246,34 tỷ đồng, giảm hơn 5% về khối lượng và 10% về giá trị so phiên 24-5.