Triển vọng khi kinh tế phục hồi thuận lợi

Các số liệu kinh tế vĩ mô quý III/2021 ghi nhận mức tác động tiêu cực của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế nhưng những tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược dần mở cửa sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi.

Nhà đầu tư quan tâm đến các cổ phiếu cụ thể nhiều hơn là việc theo dõi chỉ số.
Nhà đầu tư quan tâm đến các cổ phiếu cụ thể nhiều hơn là việc theo dõi chỉ số.

Dòng tiền có tính chọn lọc cao

Việc VN Index gặp khó khăn quanh ngưỡng 1.400 điểm có thể chỉ là tác động mang tính tâm lý. Nhiều CP vốn hóa lớn tăng trưởng chậm đang tạo lực cản khiến chỉ số không bứt phá được. Giới phân tích cho rằng, lực cản này vẫn sẽ duy trì trừ phi có được yếu tố tác động mới tích cực. Đây là hệ quả của hiện tượng phân hóa CP do dòng tiền có tính chọn lọc cao.

Chuyên gia cao cấp chiến lược TTCK của MBS Ngô Quốc Hưng chỉ rõ, việc đánh giá TTCK chung qua chỉ số VN Index đang gặp nhiễu về mặt kỹ thuật, thực tế một số nhóm CP đã vượt đỉnh lịch sử, tương ứng với VN Index ở 1.424,28 điểm. Hơn thế, độ rộng TT trong tuần vừa qua cũng rất tích cực. Thực tế, có thể thấy TT phần lớn đi ngang nhưng hệ số giữa tỷ lệ CP tăng/giảm vẫn tốt, nhà đầu tư (NĐT) đang quan tâm đến các CP cụ thể nhiều hơn là việc nhìn chỉ số. Việc TT tiệm cận vùng đỉnh cũ chịu áp lực bán chốt lời cũng như nhiều NĐT cầm giữ CP blue chip về lại điểm hòa vốn bán ra tạo áp lực cho TT chung là điều bình thường.

Hiện tại, vùng 1.400 là vùng kháng cự tâm lý, 1.420 điểm là vùng đỉnh cũ nên việc TT để vượt được hai mốc này cần thêm thời gian cũng như mốc 1.380 trước đó cần nhiều lần mới có thể xuyên phá được.

Giám đốc khách hàng cá nhân CK Rồng Việt Lê Minh Nguyên thì cho rằng, suốt ba tháng qua, dòng tiền co cụm lại một số ngành nhất định, các nhóm đóng góp với sự tăng điểm của chỉ số là: dầu khí, phân bón, hóa chất, công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản và đặc biệt trong tuần qua là nhóm bất động sản (BĐS), khi khối lượng giao dịch “bùng nổ” ở nhóm BĐS vừa và nhỏ. Riêng với nhóm CP ngân hàng (NH), các chính sách tháo gỡ quy định về thời gian cơ cấu nợ giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực về nợ quá hạn, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Tuy vậy, tới nay nhóm CPNH vẫn chưa thu hút NĐT trở lại, dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài nhóm ngành này mặc cho hàng loạt CP đã được điều chỉnh giảm sâu.

Hiện, trên ba sàn có tất cả 27 mã CPNH, trong đó rổ VN30 có tới 9 CPNH, chiếm tỷ trọng 30% và có ảnh hưởng đến 40% điểm số. Nhóm CP từng được mệnh danh là CP “vua” sẽ khó còn là vua trong ba tháng cuối năm khi lần lượt các dự báo tăng trưởng đều ở mức trung bình thấp vì so nền giá mới thì dư địa tăng tưởng không còn nhiều. Tuy vậy, về mặt dài hạn hơn, nhóm CP này có khả năng sẽ trở thành điểm nhấn ở giai đoạn đầu năm 2022.

Hoạt động kinh tế vẫn còn nhiều điểm tích cực

Theo ông Lê Minh Nguyên, thanh khoản không quyết định sự tăng điểm hay giảm điểm của TT. Điều đó được thể hiện trong suốt một tuần qua, thanh khoản duy trì ở mức trung bình nhưng chỉ số VN Index vẫn trong xu hướng tăng điểm, sẽ rất nhiều NĐT trải qua một tuần tăng điểm nhưng tài khoản vẫn không nhúc nhích gì hoặc thậm chí lỗ. Do vậy, các NĐT nên đa dạng hóa danh mục đầu tư theo hướng theo nắm giữ ngắn hạn khi chưa xuất hiện nhóm ngành mang tính dẫn dắt TT. Cân nhắc giải ngân ở các nhóm ngành hưởng lợi ngắn hạn từ các cuộc khủng hoảng năng lượng, điện năng,… trên toàn cầu, kết hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong nước giai đoạn ba tháng cuối năm và nhiệm kỳ tới. Việc chỉ số VN Index có tăng trưởng được mạnh hay không, vượt đỉnh lịch sử hay không ít quan trọng ở giai đoạn này.

Theo Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research), thực tế, các số liệu kinh tế vĩ mô quý III/2021 ghi nhận mức tác động tiêu cực của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở các tỉnh, thành phố phía nam, kết hợp sự sụt giảm nghiêm trọng của tiêu dùng nội địa khiến cho GDP quý III lần đầu tiên suy giảm so cùng kỳ.

Tuy nhiên, SSI Research đánh giá, điểm tích cực là ngành chế biến chế tạo ghi nhận mức độ giảm thấp và hoạt động sản xuất đã phần nào có tín hiệu phục hồi trong tháng 9. Lạm phát cũng được kiểm soát tốt và tạo điều kiện giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm, các gói chính sách vẫn được hỗ trợ tốt. Cùng với đó, chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các NĐT trên TTCK trong thời điểm hiện tại.

Đặc biệt, điểm tích cực đáng ghi nhận là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên TT khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới. 

SSI Research cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong hai tháng gần đây. Hệ số định giá P/E năm 2021 và 2022 của chỉ số VN Index hiện đang ở mức 16,05 lần và 12,87 lần vào ngày 5/10, cho thấy khả năng tăng duy trì trong dài hạn. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế nhưng những tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược dần mở cửa sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng và thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi.