Tiền lệ đặc biệt

Một điều bất ngờ đã diễn ra ngay trong phiên giao dịch mở đầu tháng 6, khi đầu phiên chiều 1-6, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE đã ban hành Văn bản số 704/SGDHCM-TV về việc thông báo ngừng giao dịch ngày 1-6-2021. Lý do mà HoSE đưa ra là do giá trị giao dịch tại HoSE phiên sáng 1-6 đã vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là một “tiền lệ đặc biệt” trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thanh khoản vượt mức 21.700 tỷ đồng, HoSE ra thông báo ngừng giao dịch ngày 1-6-2021. Ảnh: NG.HẢI
Thanh khoản vượt mức 21.700 tỷ đồng, HoSE ra thông báo ngừng giao dịch ngày 1-6-2021. Ảnh: NG.HẢI

Trước đó, TTCK đã đảo chiều ngoạn mục trong phiên giao dịch đầu tuần, cũng là phiên cuối tháng 5, ngày 31-5, VN Index từ đỏ chuyển xanh. Tuy nhiên, ấn tượng nhất không phải là cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH), mà là nhóm CP chứng khoán khi đa số tím hàng loạt.

Thực tế, CPCK chưa bao giờ là nhóm trụ cho VN Index vì vốn hóa quá nhỏ. SSI là mã lớn nhất, phiên này tăng giá 6,22% thì cũng chưa lọt được vào tốp 10 mã kéo chỉ số. Tuy nhiên, CPNH luôn dễ tạo cảm hứng cho nhà đầu tư (NĐT), vì cũng giống CPNH, khi tăng giá thì dễ tăng hàng loạt. Phiên này, phần lớn CP trong nhóm CPCK đã tăng giá, thậm chí số rất lớn kịch trần. Một điểm nữa khiến CP trong nhóm CPCK lặp lại kịch bản của nhóm CPNH, là những mã nhỏ lại dễ “nóng” hơn. 

Cụ thể như: SSI tăng 6,22%, mức tăng tốt nhất trong bảy phiên gần đây. HCM tăng 4,81%, cũng mạnh nhất 15 phiên. Thế nhưng hai CPCK được xem là nổi nhất nhóm cũng không sánh được so đà tăng ở những CP nhỏ hơn. Thống kê cho thấy có tới 23 CP của các công ty CK nhỏ tăng hết biên độ trên cả ba sàn gồm: HoSE, HNX và UpCOM. Những CP không kịch trần được thì cũng tăng giá rất mạnh: FTS tăng 6,7%, SHS tăng 8,57%, TVS tăng 6,76%, VCI tăng 6,71%, VND tăng 8,04% cùng với SSI và HCM kể trên.

Nhóm CPCK được cho là sẽ thu hút dòng tiền kế tiếp, khi kết quả kinh doanh quý II tới gần cũng như thanh khoản TT ngày một cao. Thật vậy, phiên này tổng giá trị giao dịch trên HoSE và HNX lên tới 29.872,8 tỷ đồng, là mức cao lịch sử. Suy luận đơn giản là thanh khoản khiến phí giao dịch nhiều lên, TT tăng giúp danh mục đầu tư tự doanh có lãi nhiều, nhu cầu vay margin tăng theo TT nghĩa là lợi nhuận kinh doanh nguồn vốn cao... 

Tuy tăng mạnh trong phiên này nhưng ngay trong nhóm CPCK cũng có sự bứt phá khác nhau. Nhiều CP rất chậm, đến phiên này mới bắt đầu tăng. Trong khi đó, khá nhiều CP đã vượt đỉnh lịch sử hoặc đỉnh ngắn hạn. 

Vấn đề duy nhất là dòng tiền thật sự đổ vào các CPNH không thể vượt trội để duy trì sức tăng bền. Thanh khoản cỡ trăm tỷ đồng chỉ có tại: SSI, HCM, VCI, VND, SHS hay số ít CP khác. Nhóm CPCK nhỏ có thể tăng thanh khoản lên đột biến, nhưng chỉ là so mức thanh khoản lèo tèo của chính các CP này mà thôi.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 đã chứng kiến nhịp đảo chiều khá ngoạn mục. CP blue chip bị chốt lời mạnh trong phiên sáng, khiến VN Index sụt giảm. Tuy nhiên đến chiều 31-5, nhóm CPNH bùng nổ trở lại, giúp chỉ số phục hồi vượt qua tham chiếu và đóng cửa tăng 0,57%.

Vẫn có khá nhiều blue chip giảm giá. Ngay cả khi VN30 Index chốt phiên tăng 1,1% nhưng số mã tăng vẫn chỉ 15 và số giảm cũng 15. Nói cách khác là rổ CP phân hóa giằng co. Những mã lớn sụt giảm là VIC giảm 1,92%, VHM giảm 1,91%, VCB giảm 1%, VJC giảm 1,79%, VRE giảm 3,76%, MSN giảm 2,13%, MWG giảm 2,91%... Các chỉ số tăng được là do nhóm CPNH đảo chiều tích cực.

Tuy nhiên, các mã CPNH phiên này đã chứng kiến áp lực cực lớn từ phía NĐT nước ngoài. Khối này xả hầu như tất cả các mã CPNH blue chip: MBB bị bán ròng tới 402 tỷ đồng, VCB lên tới hơn 105 tỷ đồng. STB, CTG bị bán 82 tỷ và 75 tỷ đồng ròng. LPB, HDB, VPB, VIB cũng nằm trong danh mục bán ròng của khối này. 

Đây là hành động bán ra rất đáng chú ý của khối này vì chưa có phiên nào đồng loạt các mã CPNH bị bán ròng như vậy. Chưa thể liên hệ việc bán ròng lớn với đà tăng giá của nhóm CPNH, nhưng lực bán này cũng sẽ gây sức ép vào giá.

Những phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản với sự trợ giúp đắc lực đến từ những nhóm ngành lớn và đang hút dòng tiền như: NH, thép, CK đã biến câu nói “Sell In May” - bán tháng 5 - chỉ còn là chuyện kể, khi trong tháng 5-2021, VN Index đã tăng tới 88,66 điểm, tương đương tăng 7,15%.

Bước sang phiên giao dịch sáng 1-6, diễn biến lên xuống của VN Index lặp lại, khi tăng mạnh lên gần 1.335 điểm ngay khi mở cửa, sau đó đảo chiều nhanh chóng về gần tham chiếu, trước khi nảy trở lại sau hơn một giờ giao dịch. Bảng điện tử vẫn bị chi phối bởi các mã giảm, nhưng nhờ nhiều CP lớn hoạt động tốt nên VN Index vẫn đang giữ được sắc xanh.

Dòng tiền chảy mạnh vào TT, kéo VN Index lên trên ngưỡng 1.345 điểm và thiết lập mức kỷ lục mới về thanh khoản ngay trong phiên sáng đầu tiên của tháng 6. Tuy nhiên, ở ngưỡng điểm này, áp lực chốt lời gia tăng mạnh đã khiến VN Index hạ nhiệt vào cuối phiên. Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 169 mã tăng và 244 mã giảm, VN Index tăng 9,73 điểm, lên ngưỡng 1.337,78 điểm. 

Điều bất ngờ là ngay đầu phiên chiều 1-6, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE đã ban hành Văn bản số 704/SGDHCM-TV về việc thông báo ngừng giao dịch ngày 1-6-2021. Trong đó, HoSE nêu rõ, giá trị giao dịch tại HoSE phiên sáng 1-6 đã vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Do đó, HoSE quyết định dừng giao dịch phiên giao dịch ngày 1-6-2021. Giá đóng cửa CK ngày 1-6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong  phiên giao dịch sáng 1-6-2021.