Thị trường lại “xanh vỏ, đỏ lòng”

Phiên giao dịch ngày 19-2, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm nhưng nhà đầu tư (NĐT) có lẽ không được vui. VN Index tăng thêm hơn 3 điểm nhưng hàng trăm cổ phiếu (CP) giảm giá. Chỉ có những CP lớn là vẫn còn mạnh. Diễn biến phiên này có thể khiến các NĐT bối rối vì chỉ số tăng tốt nhưng CP thì giảm. Đây là tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” vốn không quá lạ trên TT. Vấn đề là chỉ số tăng quá mạnh.

Các nhà đầu tư bối rối vì chỉ số tăng tốt nhưng cổ phiếu thì giảm. Ảnh: NG.NAM
Các nhà đầu tư bối rối vì chỉ số tăng tốt nhưng cổ phiếu thì giảm. Ảnh: NG.NAM

Trước đó, trái với lo ngại về nguy cơ điều chỉnh giảm, ngay trong phiên đầu tuần này, ngày 18-2, TT đã tăng ào ạt và VN Index ghi thêm hơn 10 điểm, nhảy vọt qua ngưỡng 960 điểm. Đà tăng của VN Index phiên này gắn liền với diễn biến mạnh mẽ của các CP blue chip lớn nhất, trong đó nổi bật là VIC. CP này không chỉ là mã dẫn đầu TT về vốn hóa, mà còn đang ở ngưỡng đỉnh lịch sử của chính nó. Cùng với VIC, GAS cũng là CP quan trọng đưa VN Index vượt 960 điểm phiên này. Giá dầu tiếp tục tăng là yếu tố hỗ trợ chính cho GAS tăng 3,4%. CP này đã có phiên tăng hơn 3% đầu tiên của năm 2019.

Mặc dù GAS và VIC có thể xem là hai nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới chỉ số phiên này, nhưng về cơ bản TT đã có một phiên giao dịch rất mạnh mẽ. Thứ nhất, số CP tăng giá rất lớn. Thứ hai, CP blue chip quá mạnh. Diễn biến tăng mạnh phiên này có sự hỗ trợ tốt từ bên ngoài khi TTCK quốc tế vẫn tiếp tục tăng mạnh. Các chỉ số chính của CK Mỹ cuối tuần trước vẫn tăng thêm hơn 1%, CK châu Á cũng tăng và giá dầu phục hồi mạnh.

Thanh khoản cũng là diễn biến rất ấn tượng trên TT phiên này khi nhanh chóng phục hồi sát ngưỡng 4.000 tỷ đồng đối với các giao dịch khớp lệnh và hơn 4.600 tỷ đồng nếu tính cả thỏa thuận. Mức tăng hơn 10 điểm của VN Index phiên này đã làm nên điều bất ngờ: Đưa chỉ số vượt qua mức trung bình 200 ngày - ngưỡng điểm mà nhiều công ty CK đã lo ngại. Các CP lớn nhất hiện đang có cơ hội tăng thêm. Đã có rất nhiều lo ngại về nguy cơ điều chỉnh ở khu vực 960 điểm của VN Index, nhưng phiên này TT đã vượt qua. Tuy vậy, diễn biến tăng lên 961 điểm chưa phải là an toàn, vì các ngưỡng kháng cự không bám chặt vào một con số. Chẳng hạn, đỉnh cao hồi tháng 12-2018 của VN Index thì chỉ số này đạt tới cao nhất gần 967 điểm rồi mới điều chỉnh. Vì vậy, việc VN Index vượt qua 960 điểm mới chỉ là thành công bước đầu.

Liên tiếp những phiên đầu năm mới TT đã dẫn NĐT từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Nhiều phiên TT tưởng như sẽ điều chỉnh giảm thì sau đó lại tăng tiếp. Phiên cuối tuần trước cũng vậy, dấu hiệu điều chỉnh là khá rõ ràng. Điều duy nhất để nguy cơ đó không xảy ra là thanh khoản rất mạnh. Đà tăng bất ngờ của TTCK Việt Nam thậm chí còn ở tầm thế giới. Trong tuần giao dịch đầu năm Kỷ Hợi 2019, chỉ số VN Index tăng 4,65%, cũng là mức tăng mạnh nhất thế giới nếu không tính tới các chỉ số tổng hợp như: chỉ số Shenzhen, Chinext của sàn Thâm Quyến Trung Quốc (không đại diện cho TTCK quốc gia). Chỉ số VN Index hiện đang được dẫn dắt bởi các nhóm CP mạnh nhất vẫn còn tiềm năng tăng như Vingroup, nhóm dầu khí, ngân hàng. Vì vậy, có thể CP nói chung không tăng nhiều trong mấy phiên vừa qua, nhưng đánh giá TT dưới góc độ của chỉ số thì một xu hướng tăng mạnh mẽ đang diễn ra và chỉ bị ngăn cản chừng nào các CP vốn hóa lớn nhất quay đầu giảm.

Sang phiên giao dịch ngày 19-2, TT tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm nữa nhưng NĐT có lẽ không được vui. VN Index tăng thêm hơn 3 điểm nhưng hàng trăm CP giảm giá. Chỉ có những CP lớn là vẫn còn mạnh. Diễn biến phiên này có thể khiến các NĐT bối rối vì chỉ số tăng tốt nhưng CP thì giảm. Đây là tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vốn không quá lạ trên TT. Vấn đề là chỉ số tăng quá mạnh.

VN Index đã có lúc tăng tới hơn 1,1%, tương đương gần 11 điểm trong buổi chiều, nhưng chỉ có vài chục CP tăng giá bên sàn HoSE, cả trăm mã khác giảm. Hai CP cực mạnh là VHM và VIC đã khuấy đảo TT. Diễn biến này đem lại niềm vui cho những ai nắm giữ hai mã trên, nhưng là sự thất vọng cho các NĐT khác. Nỗi buồn phiên này nhiều hơn niềm vui vì ngay trong nhóm VN30 cũng chỉ có 16 CP tăng giá, toàn bộ sàn HoSE có khoảng 97 mã tăng giá. Cứ mỗi mã giảm chỉ có 0,51 mã tăng. Chỉ số tăng đã không thể đem lại lợi nhuận cho số đông.

Hiện tượng chỉ số đi ngược hướng đa số CP xuất phát từ nhóm vốn hóa lớn tăng. Điều này nảy sinh mối nghi ngờ TT đang được nâng đỡ chỉ số để xả các mã khác. Nếu nhìn số CP giảm giá thì lo ngại này có thể là đúng. Tuy vậy, việc VIC hay VHM tăng và giao dịch cả trăm tỷ đồng không phải là chuyện đơn giản muốn là được. Thêm nữa NĐT nước ngoài cũng lao vào mua hai mã này.

TT phiên này cũng có đủ các dấu hiệu về thanh khoản của hiện tượng chốt lời ồ ạt. Giá giảm nhiều hơn tăng và khối lượng thanh khoản cực cao. Tính theo giá trị thì cả hai sàn phiên này đã giao dịch tới hơn 5.900 tỷ đồng. Đặc biệt là mức khớp lệnh lần đầu của năm 2019 đã vượt con số 5.000 tỷ đồng. Hai trong ba nhóm CP quan trọng nhất TT là ngân hàng và dầu khí đã không giữ được đà tăng sau khi đạt thanh khoản rất cao. Hiện tượng nâng chỉ số và xả CP có thể vẫn diễn ra và không ảnh hưởng nhiều đến TT nếu chỉ đánh giá thông qua chỉ số. VN Index vẫn sẽ tăng nếu như các CP vốn hóa lớn thay nhau tăng giá.