Thanh khoản duy trì ở mức cao

Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại bừng bừng khí thế như thời điểm này. Dòng tiền cuồn cuộn chảy khiến TT liên tục gặp hiện tượng “nghẽn” lệnh, bảng treo, nhưng thanh khoản và chỉ số chung của TT không ngừng tăng cao và vươn lên những đỉnh cao mới.

Dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn cũng khiến cổ phiếu tăng giá ồ ạt. Ảnh: NAM ANH
Dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn cũng khiến cổ phiếu tăng giá ồ ạt. Ảnh: NAM ANH

Dòng tiền đổ vào TT trong ngày 3-6 lại đạt cấp độ mới và dĩ nhiên sức cầu quá lớn cũng khiến cổ phiếu (CP) tăng giá ồ ạt. Blue chip lớn đã tăng tốt, giúp VN Index vượt hoàn toàn qua đỉnh giá cao nhất, thiết lập đỉnh mới tại 1.364,28 điểm.

Tâm điểm CP thép là HPG, phiên này chật vật chống chọi với lực chốt lời ngắn hạn và khá lu mờ. Nhóm CP ngân hàng (NH) và CK đều tăng mạnh. Trong nhóm CPNH, hiện tượng xoay vòng lại diễn ra. VCB sau hai phiên cực mạnh, phiên này chững lại chỉ còn tăng 0,66%. VPB cũng giảm sức rướn, chỉ tăng nhẹ 0,57%, thậm chí trong phiên còn có lúc giảm khá sâu. Trong nhóm CPNH nhỏ, cũng có mã quay đầu như BVB giảm 0,8%.

Tuy vậy, phần lớn CPNH tiếp tục tăng tốt. Nhóm tăng mạnh tập trung ở các mã nhỏ và tầm trung như: SHB tăng 4,2%, MBB tăng 6,9%, HDB tăng 5,3%... Hai mã CPNH lớn trong rổ VN30 tăng khá là CTG tăng 3,08%, TCB tăng 2,79% và BID tăng 2,95%. Đây mới là các CP có ảnh hưởng tới VN Index vì quy mô lớn hơn nhiều các mã khác, dù mức tăng giá không bằng.

Nhóm CPCK gần như vắng bóng trong số các CP kéo VN Index, nhưng phiên này mức tăng giá thậm chí còn mạnh hơn cả CPNH. Đây là các CP dồn dập thông tin hỗ trợ vừa được bung ra. Đặc biệt nếu thanh khoản đã đạt cấp độ mới và hệ thống giao dịch mới được vận hành thì cơ hội bùng nổ thanh khoản còn mạnh hơn nữa. Điều khá thú vị là các CP công ty CK lớn lại tăng không nóng phiên này, dù mức tăng cũng rất mạnh. Thế nhưng các CP của những công ty CK ít tên tuổi, thị phần nhỏ lại tăng trần cả loạt. Có thể, đây là hành động đầu cơ theo xu hướng chung của nhóm ngành.

Nhóm CP thép phiên này cũng tăng khá tốt, trừ HPG. Lý do có lẽ HPG cần thời gian để hấp thụ khối lượng tới 60,3 triệu CP về tài khoản và đang có lời. Phiên này, HPG giảm trong phần lớn thời gian và chỉ hồi xanh về cuối. Mức tăng cũng khá nhẹ 0,56% so tham chiếu. Bù lại thanh khoản phiên này cũng chỉ đạt gần 37 triệu CP, trong khi khối lượng T+3 có thể bán là 60,3 triệu CP. HSG tăng 2,77%, NKG tăng 1,04%, TLH tăng 0,88%...

TT tiếp tục lập kỷ lục giao dịch mới trong phiên này nhờ hệ thống không đến nỗi quá chậm. Lệnh mua bán vào vẫn bị treo một khoảng thời gian, nhưng không bị ngắt hoàn toàn. Do vậy nhà đầu tư (NĐT) vẫn có thể giao dịch được, chỉ là đôi khi giá không như ý. Tổng giá trị giao dịch hai sàn gồm cả thỏa thuận phiên này đạt 34.731,8 tỷ đồng là con số lớn chưa từng có. Đây là phiên thứ hai tổng giá trị giao dịch hai sàn vượt qua ngưỡng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến phiên này mức khớp lệnh mới vượt mốc này, đạt 33.055 tỷ đồng.

Đối với sàn HoSE, mức khớp lệnh phiên này đạt 27.740 tỷ đồng, tiến đến một ngưỡng hoàn toàn mới. Giai đoạn năm 2020, mức giao dịch đạt 15.000 -17.000 tỷ đồng sàn này thường nghẽn hệ thống. Sau khi nâng tải từ giữa tháng 4-2021, ngưỡng tối đa khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng, hiện tại HoSE đang hướng tới ngưỡng 30.000 tỷ đồng. Đây không phải là con số quá xa vời nếu như hệ thống mới được đưa vào vận hành. Thực tế, các phiên chiều giao dịch ở HoSE đã không lớn, đều dưới 10.000 tỷ đồng. Nếu hệ thống thông suốt, giao dịch có thể tương đương phiên sáng và kỷ lục 30.000 tỷ đồng ở sàn này không còn là lạ.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 4-6, bảng điện tử vẫn gặp sự cố như một vài phiên giao dịch gần đây khi chỉ số VN Index chỉ biểu thị một đường thẳng đứng duy nhất trong buổi sáng, đồng thời tổng giá trị giao dịch cũng chạm mức hơn 4.000 tỷ đồng rồi bất ngờ đứng yên dù giao dịch vẫn diễn ra. Tuy nhiên, tâm lý NĐT đã có phần thận trọng hơn sau phiên giao dịch bùng nổ ngày 3-6 khiến TT diễn biến chậm hơn và trạng thái phân hóa mạnh cũng diễn ra. 

Trong phiên, nhóm CPNH vẫn thu hút chú ý rất lớn cũng như tập trung dòng tiền mạnh. Nhiều CPNH bắt đầu giảm giá. Tuy vậy “sức sống” của nhóm này vẫn bền bỉ. Bằng chứng là thanh khoản duy trì ở mức cao. Giao dịch lớn xuất hiện tại VPB là một lý do để thấy CPNH chưa “hết thời”. VPB đạt quy mô giao dịch kỷ lục 76,58 triệu CP, tương đương 5.376 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch chưa từng có ở VPB, chưa từng có ở CPNH nào trên TT. Toàn bộ số CP nói trên được giao dịch bằng phương thức khớp lệnh. NĐT đã tham gia một cuộc chiến cung cầu hiếm có và chủ yếu là NĐT trong nước.

Việc CPNH bị chốt lời không phải đến phiên này mới có. Trong suốt xu hướng tăng mạnh mẽ, CP nhóm này bị xả từng nhịp, nhưng dòng tiền mới vào lại kéo tăng tiếp. Vì vậy điều quan trọng không phải là có chốt lời hay không, giá giảm hay tăng, mà là dòng tiền còn vào lớn thêm nữa không. Biến động giá CPNH hoàn toàn phụ thuộc dòng tiền.

TT đã bắt đầu có biểu hiện chốt lời tùy mã, bất chấp là có thuộc nhóm dẫn dắt hay không. Thực tế thì tình trạng tăng giá cả loạt luôn là biểu hiện của dòng tiền đầu cơ phong trào xuất hiện. Do đó sẽ đến thời điểm dòng tiền trở nên chọn lọc hơn. Hiện tượng chậm nhận lệnh không ngăn cản giao dịch phiên này lên đỉnh kỷ lục mới. Hai sàn đạt tổng giá trị hơn 36.000 tỷ đồng. Mức khớp lệnh đạt hơn 33.800 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE đạt gần 29.200 tỷ đồng khớp lệnh.