Sức hấp dẫn của cổ phiếu vừa và nhỏ

Sắc xanh nhạt có được khi chốt phiên sáng 14/9 đã nhanh chóng tan biến khi dòng tiền gần như né nhóm cổ phiếu (CP) blue chip, mà chỉ tập trung “đua sóng” ở nhóm CP vừa và nhỏ (CPVVN). Diễn biến này không những khiến độ rộng thị trường (TT) nghiêng về số mã giảm, mà sức ỳ từ nhóm blue chip đã khiến VN Index có thêm phiên điều chỉnh, thanh khoản TT cũng giảm so phiên trước.

Cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: NAM ANH
Cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, tuy không còn là “đại” CP như ngày nào do giá giảm quá nhiều, nhưng SAB vẫn là một trong những trụ quan trọng đối với VN Index. Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 13/9, SAB đã đột ngột tăng giá mạnh cùng với BHN, nâng đỡ chỉ số VN Index. Rất tiếc SAB chỉ còn là “cái bóng” của chính mình.

Biến động bất ngờ nhất phiên 13/9 là giao dịch của SAB và BHN, hai CP dẫn đầu ngành bia. SAB có lúc tăng kịch trần, còn BHN thì gần như mất thanh khoản giá trần. Hai CP này cũng có câu chuyện riêng gần giống với HVN và VJC trong tuần trước, khi việc cho phép mở cửa trở lại là yếu tố hỗ trợ chính.

SAB còn có thông tin hỗ trợ nữa là được đưa vào danh mục đầu tư của quỹ ETF nước ngoài, dự kiến sẽ được mua cả triệu CP. Phiên này, SAB tăng giá mạnh 6,67%, với thanh khoản khoảng 152,2 tỷ đồng. BHN cũng tăng kịch trần nhưng CP này thanh khoản chỉ với hơn 1,6 tỷ đồng giá trị. Cả hai CP ngành bia này có diễn biến giá giống nhau, đều trải qua một đợt suy giảm nghiêm trọng kể từ đầu năm. Lý do là việc giãn cách xã hội quá chặt khiến nhu cầu uống bia sụt giảm, hàng quán đóng cửa. SAB từ đỉnh tháng 1/2021 đã “bốc hơi” gần 32% giá trị cho tới cuối tháng 8 vừa qua. BHN cũng “bốc hơi” hơn 40% giá trị cho tới đáy cuối tháng 7. Nếu như việc nới lỏng giãn cách, cho phép các quán ăn, nhà hàng mở cửa trở lại thì ít nhất cũng sẽ cải thiện doanh số bán.

CP hàng không cũng tăng giá tuần trước dựa trên khả năng được cấp phép bay trở lại. Tuy nhiên, phiên này chỉ còn HVN tăng kịch trần lên đỉnh cao 21 tháng. Trong khi đó VJC đã quay đầu giảm 1,39%. ACV cũng giảm 0,83%. Điều này cho thấy thông tin hỗ trợ không nhất thiết tạo được kỳ vọng kéo dài. Kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và vận chuyển cần có lộ trình và dù đó là tin tốt, việc giá tăng quá mạnh dường như phản ánh thái quá kỳ vọng.

Nhóm CP ngân hàng (NH) đã hết động lực từ thông tin hỗ trợ liên quan đến kéo dài thời gian cơ cấu nợ. Thật ra, ảnh hưởng của thông tin này đã “nhạt” từ tuần trước. Đến phiên này đồng loạt các mã CPNH quay đầu giảm.

VN Index càng về cuối phiên càng kém đi. Nếu như buổi sáng phần lớn thời gian chỉ số này trên tham chiếu dù mức tăng không nhiều, thì đến chiều phần lớn thời gian lại nằm dưới tham chiếu. 

Đóng cửa phiên đầu tuần, VN Index giảm 3,88 điểm tương đương 0,29%. Trái ngược với giao dịch kém của các blue chip, CP vừa và nhỏ vẫn đang cho thấy sự hấp dẫn của dòng tiền “nóng”. VN Smallcap là chỉ số duy nhất còn tăng, đóng cửa trên tham chiếu 0,62%.

Có khá nhiều CPVVN tăng cực mạnh, thậm chí, 20 mã tăng đến giá trần. Dòng tiền chảy vào đầu cơ CP nhỏ cũng không hề yếu. Trong nhóm kịch trần có nhiều mã giao dịch hàng chục tỷ đồng giá trị, một quy mô lớn đối với các mã smallcap, như FRT, SJF, APG, TCD, LDG... Ngoài các mã kịch trần, cũng có hơn 30 CP tăng hơn 2% ở nhóm này.

TT đang trong giai đoạn khá chán nản vì không có xu hướng. VN Index và nhóm blue chip lình xình kéo dài. Chỉ số không giảm rõ nhưng cũng không tăng vượt các mức kháng cự quan trọng được. Vì vậy dòng tiền đang “né” CP blue chip hoặc giảm đầu cơ lướt sóng ở nhóm này. Thay vào đó mức tăng giá mạnh ở các mã CPVVN có thể giúp dòng tiền nhỏ vận động tốt.

Xu hướng đầu cơ này vẫn chưa có tín hiệu kết thúc dù tuần trước, một đợt xả khá rõ xuất hiện. Có lẽ lý do chính là việc nhà đầu cơ không biết tìm kiếm cơ hội ở đâu ngoài các mã này. Trong bối cảnh TT không tăng nhưng cũng khó giảm, rủi ro tổng thể không nhiều, thì vẫn còn dư địa để dòng tiền “nóng” hoạt động.

Bước sang phiên giao dịch sáng 14/9, lệnh kê mua giá cao ngay từ khi mở cửa và đích đến vẫn hướng về nhóm midcaps cùng sự hỗ trợ của SAB tiếp tục nối đà tăng đã đẩy VN Index tiến dần lên gần 1.350 điểm sau hơn một giờ giao dịch. Trong khi các blue chip chưa tìm lại được sức hút để dẫn dắt TT như kỳ vọng, thì dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm CPVVN và đây cũng là điểm đỡ có thể nói là lớn nhất cho TT hiện tại. 

Dòng tiền vào nhóm CPVVN vẫn rất mạnh, lệnh mua hướng đến nhiều CP, nhưng ở chiều ngược lại, không ít CP cũng đã bị chốt lời, trong khi các blue chip vẫn “ngủ quên” và dần chịu sức ép lớn hơn đã khiến VN Index chưa chạm 1.350 điểm đã bị đẩy ngược trở lại.

Vào phiên giao dịch chiều 14/9, sắc xanh nhạt có được khi chốt phiên sáng đã nhanh chóng tan biến khi dòng tiền gần như né tránh nhóm CP blue chip, mà chỉ tập trung “đua sóng” nhóm CPVVN. Diễn biến này không những khiến độ rộng TT nghiêng về số mã giảm, mà sức ỳ từ nhóm blue chip đã khiến VN Index có thêm phiên điều chỉnh, thanh khoản TT cũng giảm so phiên trước.

Đóng cửa, sàn HoSE có 168 (44 mã tăng trần) mã tăng và  234 mã giảm, VN Index giảm 1,73 điểm, giảm xuống mức 1.339,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 730,45 triệu đơn vị, giá trị 19.659 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và 15% về giá trị so phiên đầu tuần.