Sóng mới ở mã ngành

Từ cuối tháng 9/2021, khi giá phân ure đã tăng trở lại, cổ phiếu (CP) ngành phân bón đã bắt đầu đón sóng mới. Tuy nhiên, theo dự báo của SSI Research, do nhóm CP ngành này đã tăng mạnh từ đầu năm, đồng thời kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của năm 2022 được cho là khó đột biến, CP ngành phân bón sẽ khó hút mạnh dòng tiền như nửa đầu năm 2021.

Nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã tăng mạnh từ đầu năm nay.
Nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã tăng mạnh từ đầu năm nay.

Kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 9, chỉ số VN Index giảm 16,28 điểm, tương đương giảm 1,20%, xuống 1.334,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 11% xuống 95.928 tỷ đồng, khối lượng giảm 23,3% xuống 3.217 triệu CP. Trong khi đó, HNX Index giảm 2,69 điểm, tương đương giảm 0,87% xuống 356,49 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,9% xuống 14.841 tỷ đồng, khối lượng giảm 26,5% xuống 699 triệu CP.

Đây được cho là kết quả tất yếu khi thị trường (TT) phải đón nhận những tin xấu từ các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý III. Cụ thể, nhóm CP trụ cột chính của TT có mức giảm mạnh đã kéo TT giảm gần sáu điểm, trong đó các mã giảm mạnh như: VCB, CTG… Tuy nhiên, nhóm CP ngành phân bón lại ngược dòng TT khi liên tiếp đón nhận những tin tốt từ việc tăng giá các sản phẩm phân bón trên thế giới. Đơn cử, mã PMB dù đã giảm tới 4,8% trong phiên 27/9, nhưng ngay phiên 28/9 đã bật tăng trần 10% kéo theo ba phiên sau cũng tăng mạnh, giá CP nhờ đó tăng từ 12.600 đồng/CP lên 15.200 đồng/CP, tương đương tăng 20,63%.

Tương tự, mã DCM trong phiên 27/9 cũng giảm và tăng mạnh vào bốn phiên liên tiếp sau đó. DCM đã tăng từ 24.200 đồng/CP lên 28.200 đồng/CP, tương đương 16,53%. Đặc biệt, trong ngày 30/9, thanh khoản của DCM đạt hơn 10,5 triệu đơn vị với giá trị gần 271,3 tỷ đồng.

Mã BFC cũng đã bứt tốc mạnh vào những phiên cuối tháng 9 giúp CP này tăng 13,03%. Kể từ đầu năm, BFC là một trong những mã phân bón tăng trưởng tốt với mức tăng 105,7% từ 17.500 đồng/CP (chốt phiên giao dịch ngày 4/1) lên 36.000 đồng/CP (chốt phiên 1/10). Tuy nhiên, sau khi giá phân bón hạ nhiệt vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, BFC cũng nhanh chóng giảm và mới lấy lại đà hồi phục trong tuần qua.

Mã DPM thì luôn được kỳ vọng là CP tiềm năng khi ngành phân bón đón sóng mới. Trong tuần cuối tháng 9, DPM đã tăng tới 10,43% từ 34.500 đồng/CP lên 38.100 đồng/CP và tăng 98,4% kể từ đầu năm. Ngoài ra, mã PCE và PSE cũng tăng lần lượt 8,94% và 8,09%. Trước đó, thanh khoản hai mã này nằm ở mức thấp so trung bình các mã phân bón cùng ngành.

Thực tế, sau khoảng thời gian tăng giá khiến Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhiều lần vào cuộc, giá phân bón đã “hạ nhiệt” vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, hầu hết các loại phân bón đều rục rịch tăng giá trở lại. Giá ure, kali và DAP trên TT thế giới đang tăng kéo theo giá phân bón trong nước cũng tăng.

Hiện nay, tại Trung Quốc, giá than đá (nguyên liệu chính sản xuất ure) đã tăng 70% so hồi đầu năm do sự thiếu hụt nguồn cung đang diễn ra trầm trọng ở quốc gia này. Các ngành liên quan như: sắt, thép, hóa chất, phân bón… đều chịu ảnh hưởng.

Ở trong nước, tính đến quý III/2021, giá phân bón ure trong nước đã tăng trung bình 75 - 80% so cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 9, giá ure Cà Mau lại chạm ngưỡng 11,3 triệu đồng/tấn đối với các đại lý cấp 1 và hơn 12 triệu đồng/tấn với các đại lý các cấp sau.

Công ty chứng khoán Everest đánh giá, TT phân bón, đặc biệt là phân ure và phốt-phát hiện đang trong xu hướng tăng giá dựa trên những yếu tố nền tảng vững chắc và nhu cầu mạnh mẽ trên thế giới. Giá nông sản và diện tích canh tác tăng do tiêu dùng sau dịch bệnh đang làm cho nhu cầu đối với sản phẩm phân bón tăng trên toàn cầu. Ngoài ra, nguồn cung sản phẩm phân bón đã và đang thiếu hụt do dịch bệnh và các vấn đề kỹ thuật trong những tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, việc vận tải khó khăn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung càng trở nên trầm trọng. Ước tính, giá phân ure và phốt-phát tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá đến giữa năm 2022 nhờ nhu cầu tăng mạnh khi nông dân mở rộng diện tích canh tác vụ thu đông và đông xuân 2021 - 2022.

Giá phân bón tăng mạnh vào cuối quý III khiến giới đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp (DN) phân bón sẽ được hưởng lợi và có kết quả SXKD ấn tượng khi kết thúc năm. Đơn cử, trong quý III/2021, DPM ước đạt doanh thu hợp nhất là 2.759 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 489,1 tỷ đồng. Do đó, ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM năm 2021 lần lượt đạt 10.598 tỷ đồng, tăng 36,5% so cùng kỳ năm ngoái và 1.506 tỷ đồng, tăng 117,9%.

Với DCM, trong chín tháng năm 2021, sản lượng tiêu thụ ure của DCM ước đạt 569.070 tấn, đạt 72% kế hoạch năm 2021 và bằng 79% cùng kỳ năm 2020. Nhờ vậy, doanh thu của DCM đạt 6.320 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 82% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 770,63 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,7 lần kế hoạch năm…

Tuy nhiên, việc giá phân bón tăng cao mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các DN trong năm 2021 có thể tạo áp lực tăng trưởng trong năm 2022 khi giá phân bón bị điều chỉnh. SSI Research dự báo, do CP nhóm phân bón đã tăng mạnh từ đầu năm nay, đồng thời kết quả SXKD năm 2022 được cho rằng sẽ khó đột biến, CP phân bón sẽ khó hút mạnh dòng tiền như nửa đầu năm 2021.

Agriseco Research lựa chọn một số CP đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ chính sách cũng như đà tăng giá của phân bón như: DCM, DPM. Đây sẽ là những cơ hội tích lũy CP tại các nhịp giảm điểm của TT và kỳ vọng tăng giá trong quý IV hoặc quý I/2022.