Phát triển dịch vụ thanh toán số bền vững

Theo các báo cáo gần đây, Việt Nam đang là thị trường rất hấp dẫn về đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech), đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán. Hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp nhận ra tiềm năng và tham gia đầu tư vào phân khúc này. Và để đứng vững trong “cuộc chơi”, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải hiểu về các xu hướng toàn cầu sẽ định hình lĩnh vực thanh toán và xử lý được các vấn đề nội tại liên quan các xu hướng này.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến. Ảnh: BẮC SƠN
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến. Ảnh: BẮC SƠN

Sân chơi bình đẳng và cởi mở

Theo thông tin gần đây nhất của Maybank, hiện tại ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) khi Trung Quốc đã trở thành một thị trường đã “chín”. Trong nửa đầu năm 2021, 3 trong số 10 giao dịch fintech hàng đầu châu Á là ở ASEAN với Gojek của Indonesia (300 triệu USD), Mynt của Philippines (175 triệu USD) và Voyager Innovations (167 triệu USD) trong phân khúc thanh toán/giao dịch.

Riêng Việt Nam có một tiềm năng lớn để phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử. Theo báo cáo của PwC, tổng giá trị của phân khúc này tại nước ta đạt 15 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm là 15,7% vào năm 2025. Hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 30% công dân trưởng thành có tiếp cận với dịch vụ ngân hàng số nên lĩnh vực thanh toán còn rất nhiều dư địa để phát triển. 

Nhưng để xây dựng được những dịch vụ thanh toán kỹ thuật số bền vững và phát triển, các doanh nghiệp cần chú ý tới sáu xu hướng chính sau: xây dựng một giải pháp tài chính toàn diện; giải quyết vấn đề tiền tệ kỹ thuật số; theo dõi và có hướng phát triển cho thị trường ví điện tử và sự bùng nổ của các siêu ứng dụng; thay đổi phương thức thanh toán cho doanh nghiệp; thanh toán xuyên biên giới; đối phó với tội phạm tài chính.

Các doanh nghiệp tham gia phân khúc thanh toán cần phải xây dựng một giải pháp tài chính toàn diện. Trong đó, cung cấp những dịch vụ tài chính phù hợp, thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là với những người thu nhập thấp, khó tiếp cận các dịch vụ tài chính. Giải pháp tài chính toàn diện của Việt Nam được thúc đẩy bởi số lượng người dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng, với khả năng tiếp cận các cơ chế thanh toán thuận tiện với giá cả phải chăng. Đã có một số ngân hàng và các công ty fintech tận dụng điều này để mở rộng dịch vụ kỹ thuật số của họ, như ngân hàng hoạt động hoàn toàn trực tuyến VPBank Neo, NextPay hay Timo...

Đặc biệt vào tháng 3/2021, Việt Nam đã cho phép thí điểm sử dụng dịch vụ ví điện tử viễn thông (mobile money), qua đó cho phép người dùng sở hữu một ví điện tử được định danh bằng số điện thoại thuộc SIM chính chủ của các nhà mạng. Đây là một tiến bộ rất lớn vì đã có một sân chơi bình đẳng và cởi mở, cho phép cả ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai mobile money sẽ giúp cho hơn 50% công dân Việt Nam không có tài khoản ngân hàng hay không đủ khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thông thường có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán không cần tiền mặt.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới sự thuận lợi trong thanh toán khi sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Trong khu vực Đông Nam Á, Thailand và Singapore đang là những “tay chơi” mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Hiện, hai quốc gia đang tập trung vào những dự án xuyên biên giới để thử nghiệm khả năng kết nối quốc tế và sự tương tác của dự án. Campuchia cũng có dự án Bakong tăng cường giải pháp tài chính toàn diện cho người dân tại vùng nông thôn.

Theo Quyết định 942, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã được chính phủ giao “nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain” thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023. Đây là một trong các nhiệm vụ để phát triển và làm chủ các công nghệ cốt lõi. Hiện, có rất nhiều người đang mong chờ chúng ta có một đồng tiền kỹ thuật số pháp định của riêng mình. Nhưng cũng cần lưu ý khi triển khai CBDC, điểm quan trọng nhất là phải đánh giá được mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Vì đây là xương sống của bất kỳ loại tiền số nào.

Cần một cơ sở hạ tầng thích hợp

Tại Việt Nam, thị trường ví điện tử đang tiếp tục bùng nổ với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử. Chiếm 90% thị phần của thị trường này là ba ví Momo, Moca và ZaloPay. Tuy nhiên, các tên tuổi lớn này đang gặp khó khăn khi chưa thể hiện được lợi thế cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống. Vì các ứng dụng di động của ngân hàng đang dần bắt kịp các chức năng tiện lợi của ví điện tử. Để đạt được lợi thế cạnh tranh, rất có thể trong tương lai sẽ có sự sáp nhập của các nhà cung cấp ví điện tử thành một số siêu ứng dụng trong khu vực và địa phương. Một số công ty như Grab, Shopee, Lazada, Tiki đã tích hợp các nền tảng thanh toán số vào ứng dụng của mình.

Về vấn đề thay đổi phương thức thanh toán cho doanh nghiệp, cần nâng cấp các chức năng thanh toán cũng khả năng tương tác số. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Cơ cấu Mã QR quốc gia riêng. Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa ra mắt VietQR. Đây là nhận diện thương hiệu chung cho việc vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới của NAPAS và 14 ngân hàng thành viên. 

Về thương mại, giao thức kết nối ngân hàng mở (open API) sẽ hỗ trợ thanh toán trực tiếp từ doanh nghiệp sang doanh nghiệp trong khu vực. Đây là giao thức tích hợp thanh toán cho doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ thay thế phương thức thanh toán của ngân hàng truyền thống. Sự xuất hiện của phương thức “Mua ngay, Thanh toán sau” (BNPL) cũng giúp ngành thanh toán kỹ thuật số tăng trưởng mạnh mẽ.

Đối với vấn đề thanh toán xuyên biên giới, việc thanh toán được theo thời gian thực rất quan trọng. Vào tháng 4/2021, Việt Nam và Thailand đã ra mắt hệ thống thanh toán cho phép khách Thailand đến Việt Nam và ngược lại có thể thực hiện thanh toán dựa trên mã QR cho các hàng hóa và dịch vụ bằng ứng dụng ngân hàng di động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang dự thảo thông tư về thanh toán không dùng tiền mặt cho phép các ngân hàng thương mại trong nước và các công ty thanh toán trung gian hợp tác với các công ty thanh toán trung gian nước ngoài để cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Khung pháp lý này sẽ giúp tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu quốc tế hoặc các cơ hội tiềm năng.

Riêng trong lĩnh vực thanh toán, cần phải đặc biệt cẩn trọng với tội phạm tài chính. Vào năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của các mối đe dọa và tấn công mạng tinh vi hơn. Với căn cước, chứng minh nhân dân kỹ thuật số, các cơ chế xác thực liên quan và hoạt động tội phạm đang gia tăng, cần phải có cách tiếp cận thống nhất nhằm chống tội phạm tài chính. Việc triển khai cơ sở hạ tầng thích hợp để đối phó với rủi ro an ninh mạng là nhiệm vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khách hàng ngày càng tăng kỳ vọng đối với việc thanh toán nhanh hơn.

Những xu hướng chủ đạo trên đây chi phối lĩnh vực thanh toán trên toàn cầu. Để thành công trong thế giới kỹ thuật số, các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho phân khúc này cần nắm bắt toàn diện các xu hướng, tận dụng lợi thế công nghệ mới, đồng thời có sự sáng tạo riêng để phát triển bền vững trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đang dần hội nhập và không còn biên giới trong lĩnh vực thanh toán.