Những dự báo không thành hiện thực

Trong bối cảnh thị trường (TT) khá khó khăn, dường như nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn đã tranh thủ những nhịp tăng điểm để bảo vệ thành quả. Áp lực bán trên diện rộng khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế trên bảng điện tử phiên cuối tuần qua, ngày 23/7. Nhóm cổ phiếu (CP) blue chip sau sóng tăng ngày 22/7 cũng lần lượt quay đầu điều chỉnh, khiến chỉ số VN Index nhanh chóng mất gần 10 điểm và lùi về dưới ngưỡng 1.285 điểm.

Nhà đầu tư luôn có tâm lý bắt đáy khi thấy giá giảm sâu. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhà đầu tư luôn có tâm lý bắt đáy khi thấy giá giảm sâu. Ảnh: NGUYỆT ANH

Những nỗ lực hàn gắn phiên giảm sốc đầu tuần qua đang có nhiều tín hiệu thành công. VN Index phiên giao dịch ngày 22/7 đã có thêm 22,88 điểm. Tuy vậy, điều còn thiếu chính là dòng tiền mua thật sự mạnh, vì phần lớn lúc này vẫn đang coi TT trong một nhịp hồi kỹ thuật ngắn. Đà tăng khá đều của CP ngân hàng (NH) đem lại hy vọng lớn cho TT tạo đáy ngắn hạn. Tuy nhiên, dường như vai trò của nhóm này không rõ ràng trong nhịp phục hồi, đặc biệt là không thu hút được dòng tiền lớn quay lại.

Duy nhất KLB trong nhóm CPNH ba sàn phiên này đứng tham chiếu, còn lại là tăng. Đó là diễn biến khá tốt, nhưng không gây nhiều ấn tượng như trước. Ảnh hưởng của CPNH tới điểm số cũng hạn chế, do các mã tăng mạnh thì vốn hóa nhỏ, mã lớn thì yếu. Tuy nhiên, CPNH dường như không còn là ưu tiên. Thanh khoản ở các CP nhóm này đang sụt giảm rất mạnh. Nếu so khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên gần nhất, tất cả các CPNH phiên này đều sụt giảm thanh khoản đáng kể. Chẳng hạn VCB giảm tới 28%, BID giảm 50%, CTG giảm 29%, TCB giảm 47%, MBB giảm 51%, VPB giảm 65%, STB giảm 45%, HDB giảm 41%...

Việc giá CP sụt giảm mạnh và bật tăng trở lại là hoàn toàn bình thường. NĐT luôn có tâm lý bắt đáy khi thấy giá giảm sâu. CPNH là một trong những nhóm giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 7 tới nay. Do đó việc giá tăng đồng loạt phiên này cũng xuất phát từ tâm lý bắt đáy.

Thanh khoản sụt giảm quá nhiều cho thấy giao dịch bắt đáy với CPNH không còn hấp dẫn được nhiều NĐT như trước. Chỉ trong vài tuần giao dịch từ ngưỡng hàng nghìn tỷ đồng sụt giảm xuống còn vài trăm tỷ. Có mã như VPB sụt giảm thanh khoản chỉ bằng một phần ba so lúc đỉnh cao. Sự lan tỏa dòng vốn là không rõ ràng phiên này, ngay cả khi thanh khoản có cải thiện tăng gần 20% so phiên kề trước.

Tính theo nhóm CP thì VN30 tốt nhất, chiếm khoảng 50% tổng giá trị khớp lệnh của sàn HoSE. Tuy nhiên, tỷ trọng này tuần trước trung bình tới 61% mỗi phiên. Tổng thể mức giao dịch 16.830 tỷ đồng trên cả HoSE lẫn HNX phiên này không phải con số lớn. Thanh khoản tăng 20% là do so sánh với nền thấp kỷ lục phiên kề trước. Nếu tính theo ngưỡng trung bình tuần trước, mỗi ngày giá trị khớp lệnh hai sàn đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Do đó mức giao dịch phiên này cho thấy chưa có gì để vui mừng.

Điều an ủi trong phiên chính là việc có hàng trăm CP đảo chiều tăng giá ngay cả khi thanh khoản thấp, đồng nghĩa áp lực bán đang yếu. NĐT kỳ vọng vào một nhịp phục hồi kỹ thuật sau nhịp giảm mạnh đầu tiên của tháng 7. Kết quả kinh doanh quý II không hẳn là động lực của nhịp phục hồi này, mà thuần túy là lực cầu bắt đáy lướt sóng. Vì vậy, thanh khoản sẽ khó cao trong bối cảnh nhiều NĐT từ chối cơ hội như vậy.

Sau phiên tăng mạnh ngày 22/7, TT đã đảo chiều nhẹ trở lại trong phiên sáng cuối tuần qua, ngày 23/7, trước nỗi lo lượng hàng T+ phiên 20/7 được giải phóng. Tâm điểm là STB khi có giao dịch đột biến cả về giá và thanh khoản. Phiên giao dịch này không mấy tích cực khi áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa khiến VN Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm.

Dường như trong bối cảnh TT khá khó khăn, NĐT ngắn hạn đã tranh thủ tận dụng những nhịp tăng điểm để bảo vệ thành quả. Áp lực bán trên diện rộng khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Nhóm CP blue chip sau sóng tăng ngày 22/7 cũng lần lượt quay đầu điều chỉnh bởi lực bán dâng cao, khiến chỉ số VN Index nhanh chóng mất gần 10 điểm và lùi về dưới ngưỡng 1.285 điểm.

Thêm một chiều cuối tuần giảm điểm mạnh, những thông tin mới về xử lý dịch bệnh cũng như áp lực chốt lời ngắn hạn khiến TT đã có phiên giảm điểm sâu ngày 23/7. 

Sau phiên tăng điểm “rất đẹp” chiều 22/7 với lực mua tăng và dòng tiền lan tỏa, hầu hết các dự báo cho phiên 23/7 khả năng cao sẽ là một phiên phục hồi nối tiếp, hoặc có những dự báo thận trọng hơn. Các dự báo đó đã không thành hiện thực khi TT lao dốc phiên cuối tuần qua đã xóa đi toàn bộ thành quả phiên tăng điểm trước đó. Nếu như trong phiên sáng, áp lực bán ra chưa quá lớn thì bước sang phiên chiều cuối tuần qua, lực bán tăng đã lên đáng kể, tập trung vào các mã vốn hóa lớn kéo TT giảm sâu. Số mã tăng điểm chỉ giảm nhẹ từ 102 mã xuống còn 97 mã trên HoSE, nhưng VN Index đã giảm thêm hơn 16 điểm để chốt phiên cuối tuần mất đi gần 25 điểm. 

Trong sự mong manh đó, thông tin về dịch bệnh vẫn phức tạp, TP  Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến hết ngày 1/8 với nhiều biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn, khiến NĐT càng phải thận trọng với danh mục của mình. Một số room đã đưa ra khuyến nghị khách hàng chốt lời những mã mua bắt đáy đã về tài khoản để bảo vệ thành quả.

Chốt phiên, sàn HoSE có 282 mã giảm và chỉ 97 mã tăng, VN Index giảm 24,84 điểm, xuống 1.268,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 578,37 triệu đơn vị, giá trị gần 19.154 tỷ đồng, tăng 7,8% về khối lượng và 12,63% về giá trị so phiên kề trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,51 triệu đơn vị, giá trị 1.207,4 tỷ đồng.