Lực bán tăng cao trên diện rộng

Áp lực bán tương đối mạnh ở nửa cuối phiên sáng 18-5 đã tiếp tục bị đẩy lên cao ngay đầu phiên chiều cùng ngày, VN Index có nhịp rơi khá mạnh và thủng 1.250 điểm khi có thêm nhiều mã giảm điểm trên bảng điện tử. Mặc dù sau đó, dòng tiền bắt đáy có hoạt động, nhưng cũng chỉ ở mức thăm dò khiến chỉ số dao động quanh 1.250 - 1.255 điểm khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá do áp lực bán tăng cao.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá do áp lực bán tăng cao.

Trước đó, thị trường (TT) đã bất ngờ chuyển xấu ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 17-5, bất chấp TTCK thế giới phục hồi ngoạn mục cuối tuần qua. Trong nhóm vốn hóa lớn, gần như duy nhất VHM đỡ VN Index, còn lại các blue chip khác giảm la liệt dưới áp lực bán tăng cao. Đà bán ra của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn là tín hiệu bất lợi nhất ở thời điểm hiện tại. Đến phiên này đã bước sang phiên thứ 3 liên tục, dòng vốn này rút khỏi sàn HoSE cũng như trên cả hai sàn ở quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán ròng riêng trên sàn HoSE phiên này đã lên tới 1.038 tỷ đồng.

Mặc dù không bằng hai phiên trước, nhưng áp lực bán phiên này dồn rất lớn vào các blue chip, trong đó có nhiều mã cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH). Cụ thể, VPB bị bán ròng tới 242,6 tỷ đồng, CTG khoảng 82 tỷ đồng, MBB hơn 70 tỷ đồng, VCB hơn 52 tỷ đồng, STB khoảng 31 tỷ đồng. Ngoài ra còn có LPB, BID.

Không hẳn là giao dịch bán lớn của NĐT nước ngoài là nguyên nhân các mã CPNH suy sụp phiên này. Nhóm CP này đồng loạt giảm do áp lực bán chung tăng cao, trong đó đặc biệt là NĐT trong nước. Thật vậy, ngay ở VPB, NĐT trong nước xả tới 84% khối lượng giao dịch. VPB đóng cửa sụt giảm 1,2% so tham chiếu, chỉ là mức giảm rất không đáng kể so xu hướng tăng tới 36% chỉ trong 15 phiên vừa qua. Vấn đề là liên tục nhiều phiên gần đây, phiên này VPB cũng đã giao dịch cả nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng. Vấn đề là đến lúc nào thì dòng tiền đổ vào VPB bắt đầu suy giảm, vì giá ngày càng đi lên cũng đồng nghĩa với khả năng mua của NĐT giảm dần đi. 

Phần lớn các mã CPNH trong rổ VN30 phiên này kết thúc trong sắc đỏ. NĐT nước ngoài cũng bán ra khá nhiều blue chip khác ngoài CPNH, trong đó nổi bật là VIC với 147,7 tỷ đồng, VNM là 145,9 tỷ đồng, HPG là 125,5 tỷ đồng, MSN là 56,5 tỷ... Các CP này phần lớn là giảm giá trừ HPG tăng 0,81%.

Thực tế giao dịch của khối NĐT nước ngoài chỉ góp phần khiến giá CP suy yếu, NĐT trong nước mới là đối tượng xả chính. Dù vậy việc rút ròng liên tiếp cũng sẽ khiến tổng cầu suy giảm. Diễn biến tăng trước, giảm sau trong phiên này cho thấy, TT vẫn đang trong giai đoạn giằng co giữa những NĐT kỳ vọng TT tăng cao hơn, với những người có nhu cầu chốt lời, kể cả NĐT nước ngoài.

TT liên tục duy trì mức giao dịch cực cao nhưng biến động giá giằng co cho thấy không phải dòng tiền mua vào đang áp đảo. Thí dụ VPB, hơn 2.400 tỷ đồng phiên này là rất mạnh, nhưng cuối cùng giá vẫn giảm. Trong quá trình giá tăng, luôn có NĐT mong muốn chốt lời. Để giá tiếp tục đi lên cao hơn nữa, người mua phải liên tục có tiền để mua vào. Đó là những gì diễn ra ở nhóm CPNH lúc này.

Thực tế, ngoài số ít mã CPNH như: VPB, SHB, HDB mạnh rõ rệt, các CPNH khác diễn biến bình thường và cũng không có dòng tiền vượt trội. Đối với rất nhiều CP khác, tình hình còn kém hơn vì thanh khoản suy yếu. Cần nhìn rõ là tổng thanh khoản của TT duy trì mức cao hơn 23.000 tỷ đồng là do dòng tiền tập trung giao dịch vào các mã CPNH và HPG. Thống kê cho thấy liên tục những phiên vừa qua, một phần ba thanh khoản của cả hai sàn chỉ dồn vào 5 CP giao dịch nhiều nhất. Đó là dòng tiền đầu cơ có trọng điểm chứ không phải dòng tiền lan tỏa rộng rãi. Do đó thanh khoản cao cũng không phải là tích cực như giai đoạn trước.

Bước sang phiên giao dịch sáng 18-5, sự giằng co đã xuất hiện ngay từ sớm, khiến VN Index liên tục đổi sắc với những nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp quanh tham chiếu, thậm chí nếu không có sự xuất sắc của MSN, cùng sự hỗ trợ của HPG, FPT và NVL thì có lẽ VN Index sẽ không giữ được sắc xanh khi mà số mã giảm đang lấn át trên bảng điện tử...

Điểm nhấn trong phiên thuộc về MSN, khi đang là điểm tựa chính, khi nới đà đi lên, tăng hơn 5% sau hơn một giờ giao dịch. Hai CP: HPG và FPT cũng tăng tương đối tốt, trên dưới 2% sau khi nhận được thông tin tích cực về việc chốt quyền trả cổ tức. Nhóm CP thép bất ngờ nóng trở lại, với HSG, NKG, TLH, POM đều đang tăng từ 3% đến hơn 4% cùng thanh khoản cao. Áp lực bán có phần gia tăng mạnh về cuối phiên khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ, thậm chí ngay cả các trụ cột gánh TT như: MSN, HPG, FPT cũng thu hẹp đà giảm đã khiến VN Index lùi hẳn về dưới tham chiếu.

Áp lực bán tương đối mạnh ở nửa cuối phiên sáng 18-5 đã tiếp tục bị đẩy lên cao ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều cùng ngày, VN Index có nhịp rơi khá mạnh và thủng 1.250 điểm khi có thêm nhiều mã giảm điểm trên bảng điện tử. Trong bối cảnh lực bán tăng cao trên diện rộng với hơn 270 CP giảm trên sàn, thì sự khởi sắc của một vài blue chip phiên này chỉ giúp được VN Index hãm bớt đà giảm và không thủng mốc 1.250 điểm.

Mặc dù sau đó, dòng tiền bắt đáy có hoạt động, nhưng cũng chỉ ở mức thăm dò khiến chỉ số dao động quanh 1.250 - 1.255 điểm cho đến khi đóng cửa. 

Chốt phiên, sàn HoSE, VN Index giảm 6,02 điểm, xuống ngưỡng 1.252,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 692,48 triệu đơn vị, giá trị 21.012 tỷ đồng, giảm gần 9% về khối lượng và 8% về giá trị so phiên đầu tuần.