Lực bán cắt lỗ luôn trực chờ

Trong phiên giao dịch ngày 11-5, tưởng chừng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có phiên thiết lập đỉnh cao lịch sử mới thì bất ngờ lực bán ồ ạt nửa cuối phiên chiều đã khiến VN Index lao mạnh từ đỉnh xuống dưới tham chiếu, về mức thấp nhất ngày, ngưỡng 1.265,31 điểm.

Lực cung ồ ạt được tung vào cuối phiên chiều 11-5, đẩy chỉ số lao mạnh từ đỉnh, xuống dưới tham chiếu. Ảnh: NAM ANH
Lực cung ồ ạt được tung vào cuối phiên chiều 11-5, đẩy chỉ số lao mạnh từ đỉnh, xuống dưới tham chiếu. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, bước vào tuần giao dịch mới, mối quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) tới các blue chip ngày càng lộ rõ. VN30 Index lại vượt đỉnh trước tất cả các chỉ số khác, đồng thời thanh khoản của rổ này cũng lên cao kỷ lục trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 10-5.

Phiên này, rổ VN30 đã ghi nhận ba mã tăng hết biên độ, tuy nhiên ấn tượng nhất là VNM. Lý do đơn giản là cổ phiếu (CP) này giảm nhiều, gây thiệt hại quá lớn. Trong phiên, NĐT bán tháo cắt lỗ thì lại gặp lực cầu bắt đáy cực mạnh. VNM là một trong những blue chip tệ hại nhất trong ngắn hạn, khi mức giảm kể từ đỉnh đầu tháng 4 vừa qua đến cuối tuần trước đã là 15,3%. Một trong những nguyên tắc thường thấy là khi ngưỡng lỗ quá 10%, NĐT sẽ cắt lỗ. Lực bán cắt lỗ đã tạo nên hai phiên cuối tuần trước liên tục giảm hơn 2%.

Phiên đầu tuần, nhu cầu cắt lỗ rất lớn. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy cũng rất mạnh. Điều bất ngờ là NĐT nước ngoài cũng bắt đáy, thậm chí là tranh với NĐT trong nước. Hơn một phần ba thanh khoản của VNM phiên này là do khối NĐT nước ngoài mua vào. Sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp, khối này đã quay lại mua ròng khoảng 47 tỷ đồng tại VNM một phiên này.

Lực mua tốt đã giúp VNM đảo chiều giá rất nhanh. Vài phút đầu tiên sau khi mở cửa, VNM sụt giảm 1,03%. Tuy nhiên chỉ chừng chục phút sau đó giá đã quay lại tham chiếu. NĐT nhìn thấy rất rõ lực mua ròng của khối nước ngoài, thúc đẩy nhu cầu bắt đáy tăng cao hơn. VNM tăng càng lúc càng mạnh và đến cuối phiên đã kịch biên độ. VNM tăng tuy không phải là yếu tố đảo chiều giá số đông CP, nhưng vốn hóa lớn đủ để thay đổi VN Index. CP này giúp chỉ số có được 3,4 điểm. Điều quan trọng hơn, VNM không còn bị bán ròng lớn đã giúp tổng thể dòng vốn ngoại quay lại vị thế mua ròng ở sàn HoSE. Nhu cầu bắt đáy cũng đẩy thanh khoản của VNM lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2017.

CP blue chip duy nhất khá lạc nhịp trong phiên tăng này là VIC, khi đóng cửa chỉ trên tham chiếu 0,38%. Tuy vậy, cần nhìn giao dịch của VIC dưới ảnh hưởng của thông tin. Tập đoàn này vừa tuyên bố đóng cửa mảng sản xuất smartphone và TV. Ngay đầu phiên VIC đã chịu tác động mạnh, giá giảm 2,2%. Tuy nhiên, lực mua khá tốt đã giúp CP này đảo chiều. Nếu chỉ riêng trong phiên thì VIC bật tăng cỡ 2,6%. Đây là mức hấp dẫn đối với các giao dịch siêu ngắn hạn.

Ngoài VNM, blue chip nhìn chung đều bật tăng tốt phiên này. VN30 Index đóng cửa ghi nhận tăng 2,23% so tham chiếu, nhưng đầu phiên thậm chí có lúc giảm 0,4%. Điều đó nghĩa là hầu hết CP bật tăng sau khi xuất hiện nhịp giảm sớm. Thậm chí, đầu phiên sáng 10-5, rổ VN30 chỉ có duy nhất CTG tăng, còn lại 25 CP giảm giá.

So sánh giữa các nhóm CP, blue chip VN30 vẫn là nhóm tăng tốt nhất khi chỉ số đóng cửa trên tham chiếu 2,23%. Nhóm Midcap chỉ tăng không đáng kể 0,38% còn Smallcap lại giảm 0,13%. Đặc biệt nhóm smallcap có số lượng CP giảm giá nhiều gấp 1,9 lần số tăng giá.

Về thanh khoản, sàn HoSE phiên này tăng 2,6% giá trị khớp lệnh thì rổ VN30 tăng 5,2%, Midcap giảm 6,5% và Smallcap giảm 1,6%. Không có gì bất ngờ khi dòng tiền tập trung mạnh vào các blue chip. CP ngân hàng (NH) chiếm giữ hầu hết các ngôi vị đầu về thanh khoản như: VPB, MBB, CTG, STB đều khớp vượt 1.000 tỷ đồng. 

Dòng tiền vẫn đang tập trung vào các CPNH là yếu tố quyết định thanh khoản chung của TT. Tổng giá trị khớp hai sàn ước đạt 23.809 tỷ đồng thì hơn 29% vẫn dồn vào nhóm sáu mã CPNH thanh khoản nhất. Vì vậy thanh khoản chung vẫn đang được nâng đỡ từ nhóm CPNH, nhóm có sức hút nhất lúc này. Bất kỳ tín hiệu suy yếu nào về thanh khoản tại các mã CPNH cũng khiến TT trở nên thận trọng.

Bước sang phiên giao dịch sáng 11-5, TT hưng phấn ngay khi mở cửa với nhịp tăng khá mạnh lên trên 1.265 điểm, nhưng áp lực rung lắc xuất hiện khi một số mã lớn đảo chiều xuống dưới tham chiếu, trong khi một số khác lại nới đà đi lên. Cụ thể, các CP: VIC, GAS, VHM, VPB, PLX… phần lớn đang giao dịch tại sắc đỏ. Trong khi BID, MSN, STB, TPB, TCH, PNJ lại đang có đà tăng tốt, trong đó, MSN vọt nhanh hơn 3%, còn hai mã CPNH là: BID và STB đang tăng trên dưới 4%, với STB đang có khối lượng vượt trội với gần 34 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau hơn một giờ giao dịch. Trong nửa sau của phiên, giao dịch không có thêm điểm nhấn nào đáng kể, khi sự phân hóa mạnh của nhóm blue chip khiến VN Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh 1.265 điểm cho đến khi kết phiên sáng.

Tưởng chừng TTCK sẽ có phiên thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày 11-5, thì bất ngờ lực bán ồ ạt nửa cuối phiên chiều đã khiến VN Index lao mạnh từ đỉnh xuống dưới tham chiếu, mức thấp nhất ngày.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu bỗng gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm CP blue chip, qua đó kéo VN Index vượt qua đỉnh đóng cửa lịch sử thiết lập phiên 20-4 (ở ngưỡng 1.268,28 điểm), tăng nhanh lên vùng 1.275 điểm. Tưởng chừng VN Index có phiên phá đỉnh lịch sử mới, thì bất ngờ lực cung ồ ạt được tung vào cuối phiên chiều 11-5, đẩy chỉ số lao mạnh từ đỉnh, xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 261 mã tăng và 164 mã giảm, VN Index giảm 3,54 điểm, về ngưỡng 1.265,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 770 triệu đơn vị, giá trị gần 22.665,42 tỷ đồng, giảm nhẹ so con số 773 triệu đơn vị khớp lệnh và 23.133,85 tỷ đồng giá trị giao dịch của phiên 10-5.