Kỳ vọng nâng hạng thị trường

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ hơn của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam, trong thời gian tới. Dù đây không phải là mục tiêu có thể đạt được trong “ngày một, ngày hai”, nhưng TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để “đi đến đích”, nếu có sự vào cuộc tổng lực của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và cả cộng đồng nhà đầu tư (NĐT).

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong hai năm qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong hai năm qua.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện tại hai tổ chức xếp hạng TTCK quan trọng nhất là MSCI và FTSE Russel vẫn đang phân loại Việt Nam ở nhóm TTCK cận biên. Trong đó, riêng FTSE Russell đã xếp Việt Nam trong danh sách chờ xem xét nâng hạng lên TTCK mới nổi loại II.

Cùng với nhiều giải pháp thu hút dòng vốn nước ngoài khác, việc hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng TT đã liên tục được cơ quan quản lý thúc đẩy. Theo đó, UBCKNN cũng đã có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, chia sẻ, làm rõ các thông tin liên quan TTCK Việt Nam, từ đó đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức này. 

Nâng hạng TTCK là một quá trình dài. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến đánh giá trên TT, nhiều chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để được MSCI và FTSE Russell nâng hạng trong tương lai; từ đó sẽ tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ hơn về sự tham gia dòng vốn của NĐT nước ngoài.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan về triển vọng nâng hạng, trước mặt là khả năng được FTSE nâng hạng lên TT CK mới nổi loại II, tại kỳ đánh giá năm 2022. Với kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể sẽ được FTSE nâng hạng trong hai kỳ đánh của năm 2022, kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền đầu tư nước ngoài đón đầu xu hướng này chảy vào TTCK Việt Nam từ cuối năm 2021.

Về vấn đề này, theo nhận định của chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường của MBS Ngô Quốc Hưng, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong hai năm qua trên nhiều khía cạnh. Khi được nâng hạng, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tìm đến TTCK Việt Nam. Do vậy, dòng vốn đầu cơ đón đầu xu hướng này thậm chí còn lớn hơn cả dòng vốn vào chính thức.

Đại diện UBCKNN cho biết, hiện nay, về khung khổ pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật đã tạo điều kiện tốt hơn nhiều để tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK nói riêng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, DN đều cùng có hiệu lực, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan nâng chuẩn hàng hóa trên TTCK, tăng cường minh bạch và công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị DN; tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán... sẽ tác động sâu rộng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả DN và NĐT.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đánh giá, trong năm 2021, việc Luật Chứng khoán, Luật DN và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực đang và sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và tốt hơn. Do đó, việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam đang có những tiến triển thuận lợi. Tin rằng, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025 là có thể khả thi. Ngoài vấn đề khung pháp lý, nền tảng hệ thống công nghệ rất quan trọng. Có hai nội dung liên quan sản phẩm mà chúng tôi đang chuẩn bị trên nền tảng công nghệ mới là mô hình đối tác trung tâm cho TTCK cơ sở và các sản phẩm, dịch vụ. Mô hình đối tác trung tâm khi được áp dụng thì NĐT chỉ cần ký quỹ tỷ trọng nhỏ 10 - 20%, thay cho việc phải ký quỹ 100% như hiện nay. Đồng thời, hệ thống công nghệ mới sẽ cho phép triển khai các dịch vụ mới như bán chứng khoán chờ về hay giao dịch trong ngày... Khi những vấn đề này được xử lý thì khả năng được nâng hạng TTCK cũng sẽ tích cực hơn.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng kỳ vọng, hiện nay, FTSE đang đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng. Các cổ phiếu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số TT cận biên (khoảng 27%) của FTSE. Do còn là TT cận biên nên nhiều quỹ đầu tư lớn có uy tín trên thế giới chưa quan tâm đầu tư hoặc đầu tư ở mức rất hạn chế. Nếu được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ này sẽ vào nhiều hơn và lúc đó dòng tiền đầu tư từ nước ngoài mới tăng về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng cũng chỉ rõ, chúng ta cũng cần nhận thức rằng, việc nâng hạng TTCK cũng giống như nâng định mức tín nhiệm quốc gia, phụ thuộc nhiều yếu tố từ tiềm năng phát triển đến các hệ thống chính sách thực thi đồng bộ. Do vậy, để TTCK Việt Nam nâng hạng, cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng trưởng sau đại dịch và phối hợp chính sách để cải thiện môi trường đầu tư. Về phía cơ quan quản lý ngành chứng khoán sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển TTCK với các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ tương ứng với các thông lệ ở TT mới nổi, tạo ra sự công bằng cho NĐT nước ngoài khi gia nhập TTCK Việt Nam.