Khi nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán ròng

Mặc dù diễn biến thị trường (TT) không xấu, với biểu hiện là VN Index vẫn dập dình quanh ngưỡng 960 điểm, nhưng nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể không chú ý tới điều này. Nhu cầu bán ra của khối nước ngoài thường khó đánh giá được bằng tâm lý của NĐT trong nước. Thực tế, khi đã có nhu cầu bán, NĐT nước ngoài sẵn sàng bán liên tục trong mọi điều kiện TT, bất kể tốt hay xấu.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bán liên tục trong mọi điều kiện thị trường. Ảnh: NG.ANH
Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bán liên tục trong mọi điều kiện thị trường. Ảnh: NG.ANH

Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 6-8, TT tiếp tục phải hứng chịu quy mô bán ra cực lớn của NĐT nước ngoài. Tuy không phải cổ phiếu (CP) nào bị xả lớn cũng giảm giá, nhưng những giao dịch đỡ giá như vậy tiêu tốn rất nhiều tiền. Xu hướng bán mạnh của NĐT nước ngoài từ cuối tuần trước dường như đang được nâng lên về cường độ. Mặc dù diễn biến TT không xấu, với biểu hiện là VN Index vẫn dập dình quanh ngưỡng 960 điểm, nhưng NĐT nước ngoài có thể không chú ý tới diễn biến này.

TT đã từng chứng kiến kiểu bán quyết liệt của khối nước ngoài khi họ có nhu cầu giảm tỷ trọng đầu tư CP, hoặc giảm tỷ trọng đầu tư vào TT Việt Nam. Đã từng nổi lên những câu hỏi lớn, là tại sao khối nước ngoài bán giá thấp đến thể để chịu thiệt hại. Thật ra việc so đo thiệt hại trong giao dịch không quan trọng bằng việc các quỹ có bán hết được số lượng cần thiết hay không. Chính vì vậy khi đã có nhu cầu bán, NĐT nước ngoài sẵn sàng bán liên tục trong mọi điều kiện TT, bất kể tốt hay xấu. Phiên cuối tuần trước, NĐT nước ngoài gây chú ý bằng phiên bán ra hơn 1.200 tỷ đồng giá trị CP trên sàn HoSE. Thế mà phiên này, quy mô bán ra còn tăng lên tới hơn 1.400 tỷ đồng. Chính xác thì khối nước ngoài đã bán ra gần 1.441 tỷ đồng và có mua vào hơn 1.052 tỷ đồng. Như vậy, tính ra khối này vẫn bán ròng gần 440 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng thuộc loại lớn nhất kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Việc liên tục xả ra cả nghìn tỷ đồng CP không thể là chuyện ngẫu nhiên. Phiên này vẫn lại là các CP blue chip bị xả cực mạnh: VIC, VNM, HSG, VRE, VHM, VCB, NVL. Cũng có NĐT nước ngoài nào đó mua lại một phần lượng bán ra nói trên, nhưng tổng thể là bị bán ròng rất lớn. Các blue chip đương nhiên là chủ yếu nằm trong danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài, nên bây giờ khi bán ra sẽ gây tác động nhất định. Để đón đỡ được khối lượng bán lớn nói trên, các CP này cần lượng tiền nhiều không kém, nếu không giá sàn sẽ giảm sâu ngay lập tức.

VN Index được tác động từ các CP lớn nên tăng đúng phút đóng cửa. Chỉ số này không hiểu vô tình hay hữu ý, đóng cửa ở 960,23 điểm trong khi giao dịch trước đó đã để mất ngưỡng này. Như vậy, chỉ số vẫn đang được giữ ở quanh ngưỡng tâm lý quan trọng. Một điểm cũng khá thú vị là các CP thanh khoản lớn nhất TT phiên này đều có dấu ấn bán ra hoặc mua vào của khối nước ngoài. Dường như đã có một cố gắng nâng đỡ nhất định. Tuy có các CP giao dịch cực mạnh nhưng tổng thể phiên này thanh khoản không có gì đặc biệt, thậm chí các giao dịch khớp lệnh còn giảm. Cụ thể, tổng giá trị TT tăng nhẹ lên 5.600 tỷ đồng trong khi tổng giá trị khớp lệnh giảm khoảng 12, xuống dưới 4.000 tỷ đồng.

Dưới tác động tăng giảm trái chiều của nhiều CP lớn, TT lại rơi vào trạng thái giằng co suốt cả phiên giao dịch ngày 7-8 và kết thúc bằng mức giảm nhẹ ở VN Index. Động thái mua bán cực mạnh của NĐT nước ngoài vẫn thu hút sự chú ý.

Trong phiên này, CP gây bất ngờ lớn nhất là VNM. Từ một blue chip hàng đầu, VNM đang trở thành một trong những CP gây thất vọng nhất. Có lẽ NĐT nước ngoài cũng đang “hết chịu nổi” và đang bán ra ồ ạt. Nếu ít theo dõi biến động giá CP VNM thì chắc chắn NĐT sẽ giật mình khi nhìn lại. Một blue chip hàng đầu và hiện vẫn là một trong những CP lớn nhất TT, lợi nhuận hằng ngày tỷ đồng vừa công bố, thế mà VNM giảm giá như một CP đầu cơ bị bỏ rơi. Đó là điều hết sức khác thường. Giá VNM hiện đã là thấp nhất trong vòng chín tháng, nghĩa là tất cả các NĐT giao dịch trong chín tháng qua nếu cứ giữ để đầu tư dài hạn thì đều đang lỗ. NĐT đang bán ròng VNM ở cấp độ lớn mấy ngày nay. Tuần đầu tháng 8, VNM đã vượt VHM và đứng cùng VIC trong danh sách những CP bị khối nước ngoài bán nhiều nhất. Khoảng 1,7 triệu CP VNM trị giá 276,3 tỷ đồng đã được NĐT nước ngoài bán ròng. Ngay trong phiên đầu tuần này, VNM cũng vừa bị bán ròng 462.000 CP trị giá gần 74 tỷ đồng.

Phiên này, VNM bị khối nước ngoài bán ròng tới gần 1,3 triệu CP, mức cao kỷ lục. Gần 85% khối lượng giao dịch của phiên này là xuất phát từ tài khoản nước ngoài bán ra. VNM đóng cửa giảm giá 4,32% so tham chiếu. Đây là mức giảm mạnh chưa từng có trong năm 2018 của VNM. Trong vòng ba năm qua, VNM mới có hai phiên giảm hơn 4% và phiên này là phiên thứ 3. Điều may mắn cho TT, và không may cho cổ đông của VNM, là giá trị vốn hóa của VNM cũng đã sụt giảm gần một phần ba chỉ trong vòng năm tháng.

Chỉ số đại diện TT đóng cửa giảm 3,44 điểm, tương đương 0,36% là điều rất bất ngờ. VNM giảm tới hơn 4% đã không ảnh hưởng nhiều lắm tới VN Index. Thật ra, ở đây có yếu tố VCB đã tăng 4,24% bù đắp lại. Nhờ hai CP lớn này cân đối cho nhau nên TT đã không bị biến động quá mạnh. Tuy nhiên đà giảm giá vẫn hiện hữu. Mặc dù mức giảm ở chỉ số chưa tới bốn điểm nhưng VN Index cũng đã để mất mốc 960 điểm vừa giành được trong phiên đầu tuần. Chỉ số đóng cửa tại 956,79 điểm, mức thấp nhất trong ba phiên gần đây.