Khi lực mua đối ứng không đủ tốt

Ở các phiên tái cơ cấu ETF trên thị trường chứng khoán (TTCK) lực mua bán thường rất lớn nhưng không khiến giá giảm nhiều, thậm chí nếu bên mua hưng phấn, giá cổ phiếu (CP) còn tăng bất chấp các quỹ bán nhiều. Trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 20-9, cả hai quỹ ETF cùng tái cơ cấu danh mục. Tuy vậy, sức mua đối ứng của nhà đầu tư (NĐT) không đủ tốt đã khiến VN Index giảm 6,74 điểm, rơi xuống sát 990 điểm.

Nhà đầu tư thể hiện tâm lý thận trọng với các diễn biến của thị trường. Ảnh: N.ANH
Nhà đầu tư thể hiện tâm lý thận trọng với các diễn biến của thị trường. Ảnh: N.ANH

TT đã có một phiên chao đảo mạnh trong ngày 19-9, VN Index có lúc giảm gần 0,5% nhưng kết phiên vẫn tăng. Chỉ số nối lại kỳ vọng vượt 1.000 điểm nhờ nhóm CP ngân hàng (NH) mạnh trở lại. Không có sự hưng phấn rõ rệt nào và TT trong nước cũng giao dịch đuối trong phiên kề trước đó. Nhóm mạnh nhất phiên này là CPNH, nhưng CP cũng có sự phân hóa nhất định.

CP lớn nhất nhóm là VCB vẫn giằng co tại đỉnh cao lịch sử. Liên tiếp các phiên trong tuần qua VCB chưa lần nào vượt qua được đỉnh cũ. BID đang ở đỉnh cao 17 tháng, đồng nghĩa với việc NĐT có thể chốt lời bất kỳ lúc nào. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất có thể kích thích CPNH tăng, nhưng ngay cả các TTCK quốc tế cũng không phản ứng mạnh với thông tin này. CK Mỹ đêm 18-9 tăng không đáng kể.

Hiệu ứng tích cực của nhóm CPNH củng cố kỳ vọng VN Index sẽ vượt 1.000 điểm. Chỉ số đã phục hồi khá từ mức giảm 0,46% thành tăng 0,2% nhờ nhóm CPNH. Các blue chip khác chủ yếu là giảm giá. Điều này cho thấy, phản ứng tâm lý không đủ mạnh, cộng với mức độ phân hóa vốn có của TT dẫn tới đà tăng thiếu thuyết phục. VN Index tăng lên 997,1 điểm nhưng vẫn thấp hơn đỉnh cao của phiên 18-9 (998,4 điểm). Về mặt kỹ thuật, các dao động kiểu này vẫn là thử thách lại ngưỡng 1.000 điểm.

Điều quan trọng là NĐT thể hiện tâm lý thận trọng. Giá trị giao dịch phiên này giảm khoảng 14% so phiên 18-9, mức khớp lệnh giảm 7%. Càng đến gần thời điểm các quỹ ETF tái cơ cấu, thanh khoản thường có xu hướng giảm vì cơ hội mua sẽ tốt hơn khi các quỹ này bán ra khối lượng lớn.

Mặc dù kết phiên 19-9, VN Index nối lại hy vọng vượt 1.000 điểm nhưng trong ngày tái cơ cấu ETF, khả năng giảm điểm lớn hơn tăng điểm. Nếu NĐT thật sự muốn mua vào thì ở ngày các quỹ bán ra, khối lượng bán sẽ tăng cao. Các phiên giao dịch trước đó chưa chắc đã có giá tốt như ngày cuối tuần. Thanh khoản ở tuần tái cơ cấu ETF luôn lớn về cuối. NĐT thận trọng là có lý do, nhưng không hẳn là vì xu hướng chung của TT. Đây là lý do mang tính thời điểm. TT vẫn đang cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm CP ít bị tác động bởi giao dịch ETF.

Ở các phiên tái cơ cấu ETF, TT thường xảy ra “đấu súng” giữa bên mua và bên bán. Lực mua bán rất lớn và không khiến giá thay đổi nhiều lắm, thậm chí nếu mua hưng phấn, giá CP còn tăng bất chấp các quỹ bán nhiều. Trong phiên giao dịch đầy biến động trong ngày 20-9, cả hai quỹ ETF cùng tái cơ cấu danh mục là điều đã biết trước. Tuy vậy, sức mua đối ứng của NĐT đã không đủ tốt, khiến VN Index giảm 6,74 điểm, rơi xuống sát 990 điểm thay vì chinh phục đỉnh 1.000.

Trong lần tái cơ cấu ở phiên chốt tuần qua, lực mua cũng khá mạnh ở nhiều CP, nhưng rất tiếc các mã có vốn hóa lớn nhất lại không đủ mạnh. Nhiều mã giảm sâu dẫn tới VN Index bị tác động giảm. Các CP trụ giảm mạnh nhất phiên này là VIC giảm 1,73%, VNM giảm 1,21%, VHM giảm 0,78%, VCB giảm 0,61%...

Trụ lớn rơi mạnh đẩy VN Index lùi xuống 990,36 điểm, giảm 0,68% so ngày 19-9. Phiên giảm mạnh này khiến cả tuần chỉ số chỉ còn tăng được hơn ba điểm. Diễn biến đó đã làm giảm cơ hội đột phá qua ngưỡng 1.000 điểm của chỉ số và khoảng cách bây giờ lại rộng ra gần 10 điểm. Nhìn lại cả tuần qua, có tới ít nhất hai lần VN Index áp sát mốc 1.000, nhưng cơ hội đều bị bỏ lỡ. Với sức ép của VIC, VNM, GAS, VCB, VHM, BID thì cơ hội tăng của VN Index phiên này gần như bằng 0. Việc chỉ số vượt 1.000 điểm cũng phải trông cậy vào nhóm trụ. Nếu các trụ yếu, cơ hội cũng nhỏ lại.

Phiên này thanh khoản khá cao, đạt tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng hai sàn. Ở phiên tái cơ cấu ETF thanh khoản thường cao. Hiệu ứng tích cực của điều này là NĐT chấp nhận bỏ khá nhiều tiền để mua vào. Cả hai quỹ ETF đều bán ra đáng kể CP để cân bằng lại danh mục, nếu không có NĐT khác mua, TT sẽ rối loạn. Việc VN Index giảm mạnh phiên này phần nhiều mang tính thời điểm. Thậm chí chỉ số giảm phiên chốt tuần qua đã đem lại những sự hấp dẫn nhất định đối với TT. Thí dụ như: REE, bất kể VN Index giảm, CP này vẫn có phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 8 và lên mức giá cao nhất 18 tháng. Có một số CP cũng ở trạng thái tương tự như: MWG, FPT hay các mã nhỏ hơn như BCG... Dòng tiền đang phân hóa quá nhiều trên TT vừa tạo cơ hội cho các CP cá biệt và những NĐT thông minh, nhưng cũng tạo rào cản cho các chỉ số hình thành một xu hướng tăng rõ nét. Dưới góc độ phân tích TT thông qua chỉ số, sẽ rất khó để chấp nhận rằng TT đang ở xu thế tăng. Ngược lại, nhiều NĐT vẫn có thể đánh giá TT đang rất đẹp, đơn giản vì CP của họ vẫn đang tăng.