Hoạt động M&A sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức tư vấn về M&A (sáp nhập và mua lại), thị trường này sẽ tiếp tục hoạt động sôi nổi sau hai năm bị kìm hãm bởi đại dịch Covid-19. Các giao dịch M&A được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như môi trường đầu tư thuận lợi và ổn định, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng đều và môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Các hoạt động M&A dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ảnh: NAM ANH
Các hoạt động M&A dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ảnh: NAM ANH

Trước đại dịch Covid-19, thị trường M&A Việt Nam vẫn hoạt động sôi nổi. Năm 2021, dù tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,5%, nhưng đây vẫn là một năm cực kỳ mạnh mẽ đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân thuận lợi cho thị trường M&A là do Việt Nam được sử dụng làm phương án thay thế trong chiến lược “Trung Quốc +1”. Đây là chiến lược mà các doanh nghiệp dùng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Với chi phí rẻ hơn, họ sẽ mở rộng thêm chi nhánh hoặc các cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á, giúp doanh nghiệp ít chịu rủi ro hơn về gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá... Chiến lược này đặc biệt hiệu quả khi xét đến chính sách “Zero-Covid” hiện nay của Trung Quốc.

Do những đợt giãn cách dài trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ thấp hơn nhiều so thập kỷ trước. Nhưng cần lưu ý rằng nước ta tăng trưởng tập trung trong khi các nước khác tăng trưởng âm khi trải qua những hoàn cảnh tương tự. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp, thị trường M&A vẫn tiếp tục đi theo xu hướng toàn cầu, tiếp nối những thành công của năm 2020. Theo báo cáo của Công tư Tư vấn luật YKVN, Việt Nam sẽ có hoạt động M&A đáng kể vào năm 2022. Vì Việt Nam vẫn đang tiếp tục cung cấp một môi trường đầu tư an toàn và ổn định. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao, năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng giá trị trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (dù số lượng đầu tư giảm). 

Tăng trưởng giao dịch M&A cũng phản ánh sự gia tăng hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như nhu cầu trong nước ngày càng tăng. Các yếu tố thay đổi như thời gian để phê duyệt giảm đi, các dịch vụ tinh giản và thực tế hơn sẽ thúc đẩy đầu tư. Chỉ báo lớn nhất trong sự gia tăng các giao dịch là nền kinh tế vẫn đang tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021 với kỳ vọng sẽ nằm ở mức 6%. Có hoạt động mạnh mẽ trong cả M&A tư nhân và nhà nước. Công ty Nhật Bản - SMBC Consumer Finance đã mua lại 49% số cổ phần của Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank, công ty tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD. Thương vụ này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang phát triển nhanh của Việt Nam. Đây có thể là khoản đầu tư lớn nhất của một tổ chức Nhật Bản vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam và là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực này cho đến nay. Một giao dịch khác là việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHCB) bán 100% cổ phần trong chi nhánh SHBank Finance Company Limited, cho Bank of Ayudhya Public Company (Thailand) với giá 156 triệu USD. 

Ngoài ra, còn có thương vụ Alibaba Group và Baring Private Equity Asia đứng đầu mua lại 5,5% cổ phần của CrownX Corporation (CrownX) với giá 400 triệu USD. Giao dịch này đã định giá CrownX, một nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Tập đoàn Masan Group trong Masan Consumer Holdings và VinCommerce, ở mức 6,9 tỷ USD. Hoạt động của quỹ đầu tư tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, bao gồm cả quỹ đầu tư có chủ quyền quốc gia như Abu Dhabi Investment Authority (Abu Dhabi) và Temasek (Singapore) tham gia đầu tư vào CrownX. Vào năm 2020, KKR đã tham gia vào một khoản đầu tư 650 triệu USD vào Vinhomes và tiếp theo vào năm 2021 với khoản đầu tư 100 triệu USD vào tập đoàn giáo dục EQuest Education.

Những thay đổi về pháp luật và quản trị bền vững (ESG - Môi trường, xã hội, quản trị công ty) cũng là yếu tố để các hoạt động M&A trở nên sôi nổi hơn. Tại Việt Nam, các bộ luật ảnh hưởng đến hoạt động M&A là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Cạnh tranh. Mỗi một bộ luật đều đã có những thay đổi mang tính then chốt. Như Luật Doanh nghiệp (2020) đã đưa ra các quyền lớn hơn cho cổ đông. Yêu cầu đối với cổ đông để triệu tập họp đã được giảm bớt. Họ chỉ cần nắm giữ 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đã phát hành (trước đây là 10%) và không cần thời hạn để triệu tập họp (trước đây áp dụng ngưỡng sáu tháng). Hay Luật Đầu tư (2020) đã thu hẹp yêu cầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài để được chấp thuận đầu tư (được chấp thuận M&A). Nếu có sự thay đổi của cổ đông nước ngoài nhưng không tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của bất kỳ cổ đông nước ngoài nào thì không cần đến chấp thuận M&A.

Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho công ty đại chúng tại Việt Nam được thông qua vào năm 2019, đã thể hiện mong muốn tuân thủ các thông lệ quản trị tốt nhất và ESG thể hiện một phần của xu hướng này. Các dự án năng lượng tái tạo, hoạt động M&A trong lĩnh vực này kèm theo các điều khoản tuân thủ ngày các nghiêm ngặt về môi trường, về xanh hóa đã cho thấy yếu tố quản trị bền vững ESG ngày càng được quan tâm hơn khi thị trường trưởng thành.

Theo xu hướng của hai năm bị kìm hãm do đại dịch Covid-19, cùng các yếu tố thuận lợi hơn về nhiều mặt, các chuyên gia tin rằng thị trường M&A tại Việt Nam sẽ hoạt động sôi nổi hơn trong năm 2022 khi tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn và các hạn chế liên quan Covid-19 được dỡ bỏ.