Hiệu ứng từ việc xả ròng

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 14-5, VN Index cuối cùng cũng có được hơn bốn điểm lúc đóng cửa, sau những nhịp xả ồ ạt trong phiên. Đặc biệt, phiên này khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài xả ròng rất lớn, ở hầu như tất cả các blue chip. Động thái này chắc chắn đã tạo ra những hiệu ứng nhất định.

Phiên giao dịch cuối tuần qua, VN Index có được hơn bốn điểm lúc đóng cửa, sau những nhịp xả ồ ạt trong phiên. Ảnh: NAM ANH
Phiên giao dịch cuối tuần qua, VN Index có được hơn bốn điểm lúc đóng cửa, sau những nhịp xả ồ ạt trong phiên. Ảnh: NAM ANH

Phiên sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm 12-5 tưởng như không tác động đến Việt Nam, nhưng cuối cùng thì sức ép từ phía bán cũng đủ lớn để đưa VN Index phiên giao dịch ngày 13-5 thuận chiều thế giới. Thậm chí, đến cuối phiên sáng 13-5, VN Index còn có nhịp tăng khá tốt, chỉ số lên ngưỡng 1.237,49 điểm, tăng 0,35% so tham chiếu. 

Các cổ phiếu (CP) lớn bắt đầu suy yếu nhanh ngay từ đầu phiên chiều 13-5. Giảm mạnh nhất và có ảnh hưởng xấu nhất là VIC. Mã này càng về cuối ngày giảm càng sâu và chốt phiên mất tới 2,54% giá trị. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 26-4 vừa qua. Thậm chí, mức giảm mạnh còn đẩy VIC xuống ngưỡng thấp nhất 20 phiên giao dịch. Tuy nhiên, đổ lỗi riêng cho VIC là không khách quan. Có rất nhiều CP cũng xoay chiều giảm mạnh ở phiên chiều 13-5. Nhìn chung blue chip giảm khá nhiều và mạnh. VN30 Index đóng cửa giảm 0,72% nhưng thực tế là đảo chiều so đỉnh của phiên khoảng 1,12%.

Hàng loạt CP trong rổ VN30 có mức đảo chiều giảm mạnh. Nhóm CP ngân hàng (NH) cũng có nhiều mã giảm mạnh, nhưng vẫn có mã tăng xuất sắc. Có thể kể tới CTG, VPB, HDB tiếp tục tìm đỉnh cao mới. Những CP này chao đảo dữ dội trong phiên, nhưng lực cầu đủ tốt để trụ giá lại. Cả rổ VN30 đến cuối ngày chỉ còn bảy mã xanh, dù ngay đầu phiên chiều có tới hơn 20 mã tăng.

Sức ép chung của blue chip cũng như số lớn CP khác mới là yếu tố đẩy VN Index từ tăng thành giảm. Chỉ số giảm khá nhanh về cuối ngày, đợt ATC còn sập thêm một nhịp nữa. Kết phiên VN Index để mất 7 điểm, tương đương 0,56%. Cứ mỗi mã giảm giá chỉ còn 0,53 mã tăng giá trên sàn HoSE, xác nhận hiện tượng phổ biến “xanh chuyển đỏ”.

Đà giảm phiên này cũng đi cùng quy mô rút vốn của NĐT nước ngoài. Tổng giá trị bán ròng trên sàn HoSE lên tới 1.154,1 tỷ đồng. Sàn HNX bị bán ròng 7,2 tỷ và Upcom là 6,7 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng lớn nhất với HoSE kể từ ngày 14-4 vừa qua. Tuy vậy, không hẳn áp lực bán của khối nước ngoài khiến giá CP giảm, bởi ở nhiều CP, NĐT trong nước xả còn lớn hơn nhiều…

Phiên xả mạnh cuối ngày 13-5 đã khiến VN Index vẫn tiếp tục thất bại trong nỗ lực vượt lên đỉnh mới. Ngày 12-5, tính theo giá đóng cửa thì chỉ số đã vượt đỉnh, nhưng sang phiên này lại giảm. Thật ra, kể cả khi đóng cửa cao nhất lịch sử nhưng VN Index về mặt kỹ thuật vẫn chưa vượt đỉnh, vì vẫn thấp hơn mức dao động trước đó. Đúng hơn là chỉ số này vẫn đang dao động quanh đỉnh cũ, chỉ có số ít CP vượt đỉnh. 

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 14-5, VN Index cuối cùng cũng có được hơn bốn điểm lúc đóng cửa, sau những nhịp xả ồ ạt trong phiên. Thậm chí các chỉ số đầu phiên chiều còn sụt giảm. Đặc biệt phiên này khối NĐT nước ngoài xả ròng cực lớn ở hầu như tất cả các blue chip.

Hai tuần trở lại đây đà bán ròng của NĐT nước ngoài lại xuất hiện và đang tăng nhiệt. Tuần cuối tháng 4 vừa qua là tuần duy nhất dòng vốn này đảo chiều sang mua ròng, do hiệu ứng giao dịch của một quỹ ETF ngoại mới mở. Đến tuần đầu tháng 5, chỉ riêng CP trên HoSE đã ghi nhận bán ròng 3.033 tỷ đồng. Mới bốn phiên của tuần qua, mức bán ròng cũng tới 1.880 tỷ đồng.

Phiên này, khối NĐT nước ngoài xả ròng tiếp trên HoSE 1.613,7 tỷ đồng. Như vậy, tính lũy kế từ đầu tháng 5 đến thời điểm này, tổng hợp sàn HoSE bị rút ròng 6.533,2 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn vì cả tháng 4, HoSE ghi nhận mức bán ròng đâu đó 752 tỷ đồng, tạo cảm giác dòng vốn này sắp đến điểm đảo chiều mua trở lại. Trong phiên, lực bán của khối này trải rộng ở rất nhiều blue chip. Một số xuất hiện giao dịch bán thỏa thuận, nhưng phần lớn là bán trực tiếp qua khớp lệnh, giao dịch có thể gây sức ép về giá.

Thực tế trên sàn cho thấy, dòng vốn vào quá nhỏ so mức bán ra, đã đẩy quy mô rút vốn phiên này lên ngưỡng cao kỷ lục kể từ đầu năm. Mặt khác, giao dịch của khối NĐT nước ngoài tập trung quá lớn vào nhóm VN30. Những mã bị rút vốn lớn nhất đều thuộc rổ này. Tính riêng nhóm VN30, giá trị rút vốn ròng đạt tới hơn 1.440 tỷ đồng.

Sức ép của khối NĐT nước ngoài đã không khiến CP giảm giá nhiều, nhưng chắc chắn là có hiệu ứng nhất định. Thật ra hiệu ứng khó nhận biết chính là mức tăng của CP không lớn. NĐT nước ngoài bán ra có lẽ không để giá sụt giảm vì rõ ràng giá tăng sẽ có lợi cho người bán.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này ước đạt 23.206 tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so phiên kề trước. Mức tăng này hoàn toàn đến từ sàn HNX, vì giá trị khớp sàn HoSE thực tế còn giảm 1,1 tỷ đồng nếu tính theo con số tuyệt đối. Sàn HNX đã tăng thanh khoản gần 13% so phiên trước, tương đương gần 328 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, dường như TT đang miễn nhiễm với những thông tin dịch Covid-19 khi dòng tiền mạnh duy trì khá tốt qua các phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 với tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE khá đều đặn đạt hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đây chính là yếu tố giúp TT nhanh chóng hồi phục mạnh và có thời điểm vượt xa đỉnh cũ, bất chấp khối NĐT nước ngoài vẫn trải dài những phiên bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.