Hiệu quả từ minh bạch thông tin

Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những hành động rất quyết liệt để xử lý, chấn chỉnh, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung và hệ thống tài chính, bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, trên thị trường TPDN cũng có rất nhiều điểm sáng tích cực, đặc biệt là quá trình phát hành trái phiếu của các công ty niêm yết.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng tốp 3 vốn hóa của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên HSX. Ảnh: NAM ANH
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng tốp 3 vốn hóa của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên HSX. Ảnh: NAM ANH

Một thí dụ là Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (VCB). Là một trong những ngân hàng TMCP Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ, VCB thuộc nhóm ngân hàng quy mô lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng với tổng tài sản thời điểm cuối 2021 đạt hơn 1.414.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 934.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 1.135.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16.600 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 37.088 tỷ đồng. Được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) với mã chứng khoán VCB, theo thị giá ngày 20/4/2022 khoảng 78.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hóa thị trường của VCB đạt khoảng 289.000 tỷ đồng, đứng tốp 3 vốn hóa của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên HSX. 

Để tăng vốn cấp 2, tạo vùng đệm nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), VCB cũng linh hoạt lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng. Đến thời điểm cuối năm 2021, theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), VCB còn đang lưu hành 57 lô trái phiếu, tổng giá trị khoảng 17.400 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm, được thanh toán lãi hằng năm, mức lãi suất dao động trong khoảng 6,5%/năm đến 7%/năm. Là một trong những ngân hàng niêm yết quy mô lớn, VCB đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về tính minh bạch thông tin và hiệu quả trong hoạt động. Do đó, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng, VCB đều công bố thông tin theo quy định trên trang thông tin điện tử của ngân hàng và HNX để nhà đầu tư có thể tham khảo và có quyết định đầu tư đúng đắn. Với một ngân hàng uy tín như VCB, hoàn toàn dễ hiểu khi mà trái phiếu VCB luôn được đông đảo các nhà đầu tư đón nhận mặc dù lãi suất thấp hơn rất nhiều so trái phiếu của các doanh nghiệp khác (từ 12%/năm có khi lên tới 20%/năm).

Một ngân hàng quy mô lớn khác cũng đang được niêm yết trên HSX là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), mã chứng khoán CTG. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của CTG, tổng tài sản thời điểm cuối năm 2021 của ngân hàng đạt hơn 1.531.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 1.104.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 1.161.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21.400 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 48.057 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2022, vốn hóa thị trường của VietinBank ước đạt 139.000 tỷ đồng. 

Cũng như VCB, VietinBank đã giành được nhiều giải thưởng về hoạt động cũng như minh bạch thông tin. Để linh hoạt trong các giải pháp huy động vốn và nâng cao năng lực tài chính, VietinBank cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và ra công chúng. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, VietinBank còn 31 lô trái phiếu, tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn từ 5 đến 15 năm, được thanh toán lãi hằng năm, mức lãi suất dao động trong khoảng 6,5%/năm đến 7%/năm. Để minh bạch hóa thông tin, việc phát hành trái phiếu của VietinBank cũng được công bố đầy đủ trên trang thông tin điện tử và HNX để các nhà đầu tư tham khảo. Trái phiếu của VietinBank luôn được các nhà đầu tư đón nhận.

Một điều dễ dàng nhận thấy là quy mô trái phiếu của VCB và VietinBank nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ, vốn hóa thị trường và tổng tài sản của các ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động hiệu quả của các ngân hàng này chính là cơ sở để bảo đảm khả năng thanh toán và thanh khoản của trái phiếu do họ phát hành. 

Một công ty khác là Công ty CP Tập đoàn Vingroup (Vingroup), mã chứng khoán là VIC, được niêm yết trên HSX. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vingroup, tổng tài sản đạt 428.000 tỷ đồng, nợ phải trả 268.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 38.675 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 159.571 tỷ đồng, vốn hóa thị trường ước đạt 305.000 tỷ đồng. 

Là một tập đoàn đa ngành hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, lắp ráp xe hơi, xe máy, thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... để bảo đảm đủ nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Vingroup cũng xem phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, giá trị trái phiếu do Vingroup và các công ty thuộc tập đoàn phát hành khoảng hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% nợ phải trả. Các thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu được Vingroup công bố trên trang thông tin điện tử cũng như HNX. Lãi suất trái phiếu từ 8%/năm đến 9%/năm, được đông đảo các nhà đầu tư sẵn sàng mua nên tỷ lệ phát hành thành công rất cao.

Một vài thí dụ nêu trên cho thấy, việc phát hành trái phiếu vẫn là một kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Chính việc công khai, minh bạch về thông tin và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết là cơ sở vững chắc để các nhà đầu tư tìm hiểu, tham khảo và quyết định đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp này. Do đó, một điều quan trọng đối với việc huy động vốn qua phát hành TPDN chính là việc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và tài chính, mục đích huy động vốn, hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu, lãi suất, tài sản bảo đảm, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp... để mọi nhà đầu tư có thể hiểu rõ. Qua đó, các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư của mình và doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn được mức lãi suất phù hợp để tối ưu hóa chi phí huy động vốn, bảo đảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội.