Hiện tượng phân hóa mạnh mẽ

Bất chấp những cổ phiếu (CP) tâm điểm thị trường (TT) vẫn giao dịch sôi động trong phiên giao dịch ngày 20-10, VN Index đã không thể tăng điểm rõ ràng do hiện tượng phân hóa mạnh mẽ trong nhóm blue chip lớn. Đặc biệt, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã có một ngày bán ròng cao kỷ lục.

Thị trường CP có hiện tượng phân hóa mạnh mẽ.
Thị trường CP có hiện tượng phân hóa mạnh mẽ.

Khá nhiều blue chip có dấu hiệu xả mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 19-10 và quay đầu giảm giá. Nếu như tuần trước nhóm VN30 là động lực chính đẩy VN Index lên thì hiện đang là gánh nặng. CP ngân hàng (NH) đang trở thành tâm điểm của TT khi lần lượt các mã được đẩy giá lên bất ngờ. Nhiều mã CPNH phiên này giảm, nhưng CP nào còn tăng thì đều tăng rất mạnh. Đáng chú ý nhất là CTG, phiên này ghi nhận thêm một phiên tăng vượt 3%. Đóng cửa tại 32.150 đồng/CP, CTG đạt đỉnh cao nhất kể từ cuối tháng 4-2018. CTG chỉ còn thấp hơn giá đỉnh lịch sử hồi tháng 4-2018 khoảng 15%. 

Các mã CPNH còn lại tăng khá mạnh nhưng diễn biến bình thường: STB tăng 2,55%, TCB tăng 1,55%. TCB phiên này bắt đầu chịu áp lực của lượng giao dịch kỷ lục hôm 14-10, phiên khớp hơn 1.100 tỷ đồng giá trị. Do đó thanh khoản phiên này cũng rất cao, đạt 28,5 triệu CP tương đương 659 tỷ đồng, lớn nhất hai sàn. Tuy giá tăng tốt nhưng TCB vẫn chưa đạt tới giá đỉnh của hai ngày trước. Thậm chí trong phiên TCB bị bán khá rõ, mức giá ban đầu tăng 3,09% sau đó lại tụt xuống.

Giao dịch có vài điểm sáng nhưng tổng thể nhóm blue chip phiên này yếu. Thứ nhất, số lượng CP giảm giá là 17 mã, chỉ có 12 mã tăng. Thứ hai, nhóm tăng có nhiều mã quá kém như: VIC chỉ tăng 0,1%, VNM tăng 0,28%, FPT tăng 0,19%, NVL tăng 0,48%. Nhiều blue chip giảm như GAS giảm 1,86%, BID giảm 0,71%...

Riêng với MSN, CP đang gây chú ý lớn gần đây, diễn biến có phần bất ngờ khi được đẩy giá lên và thoát giảm vào phút chót. MSN trong phiên bị xả mạnh và giá giảm liên tục, thậm chí sâu nhất giảm tới 4,75% so tham chiếu. Thế nhưng đến cuối ngày, giá được giật tăng 2,5% một cách ngỡ ngàng. Hiện tượng phân hóa trong rổ VN30 và thanh khoản suy yếu là dấu hiệu đáng chú ý phiên này. Tuần trước nhóm VN30 đánh dấu mức giao dịch kỷ lục với những phiên xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, mức bình quân là hơn 4.200 tỷ đồng. Phiên này giao dịch khớp lệnh chỉ khoảng 3.896 tỷ đồng. Mức giao dịch chung trên TT cũng giảm khá nhiều: Tổng giá trị giao dịch giảm 13% so phiên trước và khớp lệnh giảm 11%. Mức giảm chủ yếu ở HoSE vì sàn HNX có ACB giao dịch quá khủng, đẩy thanh khoản sàn này tăng 20% về giá trị.

NĐT nước ngoài cũng đang tiếp tục làm suy yếu khả năng mua của NĐT trong nước khi bán ra quá nhiều. Hàng triệu CP bị bán ròng tại CTG, POW, MSN, KDH, VPB, chưa kể VRE, VHM, HPG cũng bị xả rất nhiều. Sàn HoSE lại bị bán ròng tới gần 370 tỷ đồng. Cũng phải nhấn mạnh là tuần trước khối NĐT nước ngoài cũng bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Sang phiên giao dịch ngày 20-10, TT vẫn giao dịch sôi động nhưng VN Index đã không thể tăng điểm rõ ràng do hiện tượng phân hóa mạnh mẽ trong nhóm blue chip lớn. Đặc biệt, khối NĐT nước ngoài đã có một ngày bán ròng cao kỷ lục trong vòng năm tháng qua. Áp lực bán ròng rất lớn đến từ phía NĐT nước ngoài với mức bán ròng tính riêng CP sàn HoSE khoảng 877,5 tỷ đồng. Đây là mức rút vốn khỏi CP cao kỷ lục kể từ phiên ngày 6-5 vừa qua. Tại phiên đó, VHM thực hiện chuyển nhượng thỏa thuận ròng 2.146 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng thỏa thuận đáng chú ý trong phiên này xuất hiện tại DIG với 28,2 triệu CP, tương đương 494,6 tỷ đồng. Như vậy, kể cả khi loại trừ giao dịch này thì quy mô bán ròng của NĐT nước ngoài vẫn cực lớn, đặc biệt là chủ đạo bán qua khớp lệnh.

Chuỗi ngày bán ròng của khối NĐT nước ngoài đang có dấu hiệu tăng về cường độ. Đến phiên này đã là phiên bán ròng thứ 19 và toàn bộ các phiên kể từ đầu tháng 10 tới nay, khối này bán ròng lên tới 3.986 tỷ đồng chỉ tính riêng CP trên HoSE. Đặc biệt trong năm phiên vừa qua, ngày nào NĐT nước ngoài cũng bán ra lượng CP trị giá cỡ nghìn tỷ. Phiên này, tổng giá trị CP bán ra là 1.631,4 tỷ đồng trong khi chỉ mua 753,9 tỷ đồng. Ngoài DIG bị bán ròng lớn, còn có MSN, VPB, POW, CTG bị bán ròng từ 1,5 triệu tới 3,4 triệu CP. VHM, VNM, GAS, BID cũng bị bán ròng rất nhiều. Chỉ riêng rổ VN30 đã ghi nhận mức bán ròng tới 477 tỷ đồng. Như vậy ngoài DIG, khối này đã tập trung bán ở các blue chip.

Giao dịch ấn tượng hơn đến từ các CPNH, đặc biệt là sự trở lại hoành tráng của TCB. CP này hôm 14-10 gây sốc với mức giao dịch hơn 1.100 tỷ đồng giá trị và giá tăng kịch trần. Liên tiếp ba phiên sau đó TCB chững lại, bất ngờ phiên này giá lại bùng nổ tăng 3,91% với mức giao dịch gần 823,5 tỷ đồng giá trị. Rõ ràng là TCB phải có được dòng tiền lớn mới có thể giúp giá tăng nhiều như vậy. Khối lượng giao dịch trong ngắn hạn rất lớn, riêng ngày 14-10 khớp lệnh 48,6 triệu CP, nên NĐT bán ra cũng sẽ rất lớn. TCB phải có dòng tiền mạnh mua vào để hấp thụ khối lượng đó. Phiên này, TCB tuy không đủ lớn để lập kỷ lục thanh khoản cho chính mình, nhưng vẫn giữ ngôi vị thanh khoản số 1 TT.

Hiện tượng phân hóa sức mạnh trong nhóm CP vốn hóa lớn cũng là lý do khiến VN Index đóng cửa chỉ tăng có 0,08% so tham chiếu. Mặc dù chỉ số tăng không nhiều, nhưng phiên này vẫn là một ngày giao dịch tích cực nhờ số lượng CP tăng giá đã nhỉnh hơn số giảm. TT vẫn có được hiện tượng phân hóa tốt và nếu NĐT chọn đúng CP, lợi nhuận sẽ không phụ thuộc vào diễn biến của chỉ số.