Đi qua vùng trũng thông tin

Sau phiên trao tay kỷ lục với khối lượng hơn một tỷ cổ phiếu (CP) vào giữa tháng 4-2021, thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào giai đoạn giằng co với các phiên tăng, giảm xen kẽ. TT tích lũy tạo nền trong biên độ quanh ngưỡng 1.200 điểm của VN Index và dự báo diễn biến này tiếp tục kéo dài trong tháng 5.

Nhà đầu tư lạc quan về những tín hiệu tích cực của thị trường trong quý I. Ảnh: SONG ANH
Nhà đầu tư lạc quan về những tín hiệu tích cực của thị trường trong quý I. Ảnh: SONG ANH

Kết thúc tháng 4, VN Index đóng cửa ở mức 1.239,39 điểm, tăng gần 48 điểm so tháng 3, tương đương 4%. Dù có nhiều phiên sắc xanh chiếm ưu thế nhưng hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” xuất hiện khá thường xuyên. Điều này đồng nghĩa việc đầu tư ngắn hạn trở nên khó khăn hơn. Về triển vọng tháng 5, theo giới phân tích, TT vẫn giữ được xu hướng tăng trung và dài hạn, tuy nhiên dòng tiền sẽ yếu đi và có sự phân hóa sâu. Bởi có nhiều yếu tố có thể tác động diễn biến của TT tháng 5. Thứ nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) họp kỳ tháng 4-2021 tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế. Đây là động thái tích cực cho CK. Thứ hai, diễn biến dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Thái-lan… trở nên phức tạp, đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư (NĐT) với lo ngại dịch bùng phát trở lại Việt Nam. Thứ ba, mùa đại hội cổ đông năm nay đang dần khép và thiếu thông tin hỗ trợ TT. 

Thực tế, TT đã giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, mốc mà 20 năm TT mới vượt qua được và đã có một lớp NĐT mới. Do đó, đây sẽ là ngưỡng đóng vai trò hỗ trợ tâm lý rất quan trọng. Bức tranh chung cho thấy, TT toàn cầu có triển vọng tích cực, kỳ vọng đối với TT Việt Nam chưa có gì thay đổi. Dòng tiền sẽ giằng co do yếu tố mùa vụ, nhưng không quá tiêu cực.

Nếu tính từ nhịp điều chỉnh cuối tháng 1, VN Index đã tăng gần 250 điểm, mức tăng mạnh được ghi nhận trong nửa đầu tháng 4, dù đó là sự góp sức chủ yếu của một số blue chip, nhóm CP vốn hóa lớn trên HoSE. Không chỉ có VIC mà nhiều CP khác trong VN30 cũng góp phần điều tiết đà tăng của TT như: MSN, MWG, VHM hay các mã CP ngân hàng. Do vậy, biến động của chỉ số chưa tương đồng biến động chung của CP. Nghĩa là, dù chỉ số tăng mạnh nhưng mặt bằng giá CP chỉ tương đương thời điểm VN Index ở mức xấp xỉ 1.200 điểm.

Được coi là vùng trũng thông tin, nhưng có ba yếu tố sẽ tác động xu hướng TT tháng 5, bao gồm: diễn biến dịch Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới; xu hướng lãi suất và dư âm kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp (DN) niêm yết.

Trong đó, nếu yếu tố đầu liên quan tình hình dịch Covid-19, được đánh giá là không khả thi để đưa ra các dự báo đáng tin cậy, thì hai yếu tố sau vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng giá của TT. Dù ở thời điểm hiện tại vẫn còn không ít DN vốn hóa lớn chưa công bố kết quả kinh doanh quý I-2021, NĐT vẫn có niềm tin TT đã có một mùa báo cáo quý I thành công, với các con số tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm ngành: ngân hàng, bất động sản và thép… Xu hướng tăng trưởng này tương đồng tình hình khởi sắc của kinh tế vĩ mô trong nước, được đánh là bền vững và sẽ là bệ đỡ vững chắc cho TT tăng trưởng trong trung hạn.

Về tổng thể, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán KB, TT trong tháng 5 vẫn nằm trong xu hướng tăng trung hạn, dù các nhịp điều chỉnh có thể xuất hiện ở một số thời điểm để giải tỏa áp lực chốt lời sau nhịp tăng kéo dài, đặc biệt ở nửa sau tháng 5 khi TT rơi vào vùng trũng thông tin khi động lực tăng giá từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh suy yếu. Các nhịp điều chỉnh nếu xuất hiện sẽ là cơ hội để NĐT gia tăng tỷ trọng CP.

Nhìn xuyên suốt trong những tháng đầu năm nay, TTCK Việt Nam vẫn không bị “giảm nhiệt” với các rủi ro nêu trên và giữ được đà tăng điểm nhờ kỳ vọng lớn vào sự phục hồi kinh tế vĩ mô, cũng như sức mạnh bền bỉ của dòng tiền trong nước. VN Index đã vượt đỉnh lịch sử và thiết lập khá vững chắc đỉnh mới. Không dừng lại ở việc tăng 7,9% trong quý I, VN Index đã vượt đỉnh lịch sử ngay trong phiên đầu tháng 4-2021, đạt 1.216,10 điểm và tiến lên đỉnh mới 1.268,28 điểm vào ngày 20-4-2021. Đây thật sự là mức hồi phục và tăng điểm ngoạn mục của TTCK Việt Nam trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro.

Cùng với đó, thanh khoản TTCK vẫn cho thấy sức mạnh, khi giá trị giao dịch trung bình trong quý I đạt 15.684,69 tỷ đồng/phiên, cao nhất từ trước tới nay. Thậm chí, trong các phiên gần đây, giá trị giao dịch tiếp tục bứt tốc với một số phiên hơn 20.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia CK cho rằng, trợ lực cho giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK Việt Nam vừa qua là sự tổng hòa nhiều yếu tố. Bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế và TTCK quốc tế, các yếu tố nền tảng trong nước đang tốt lên trông thấy, củng cố niềm tin và kỳ vọng của NĐT. Cùng với việc “sức khỏe” DN hồi phục, môi trường “tiền rẻ” đã thúc đẩy dòng tiền mới trong nước gia nhập mạnh mẽ vào TTCK.

Mặt khác, mới đây nhất, HoSE đã có những cải biến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch hiện tại được tối ưu hóa, giảm rõ rệt tình trạng nghẽn lệnh, thúc đẩy thanh khoản tăng tích cực, với nhiều phiên có thanh khoản lên tới hơn 20.000 tỷ đồng/phiên. 

Yếu tố tâm lý luôn chi phối TT sau các kỳ nghỉ lễ. Việc nắm giữ một số CP cơ bản triển vọng sẽ giúp NĐT an tâm hơn trong khi hạn chế giao dịch ở các CP đầu cơ. Diễn biến tăng của TT trong phiên cuối tuần qua hoàn toàn phù hợp những chuyển biến nội tại của tổng thể nền kinh tế. Đây là đà đệm tích cực để TT vững vàng đi qua “vùng trũng” thông tin trong tháng 5.