Để thắng thị trường

Việc thị trường chứng khoán liên tục diễn biến tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là dòng tiền đầu cơ của nhà đầu tư cá nhân đã tháo chạy. Chuyên gia tài chính cho rằng, giờ là lúc xu hướng đầu tư giá trị lên ngôi hoặc nếu có “lướt sóng” thì phải lướt sóng chuyên nghiệp. 

Thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh. Ảnh: SONG ANH
Thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh. Ảnh: SONG ANH

Bluechip “thất thủ”

Thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh và mang lại nhiều cảm xúc khá tiêu cực cho nhà đầu tư. Chỉ từ đầu tháng 4 đến nay (6/5), VN-Index đã để mất 187,18 điểm, tương đương mức giảm hơn 14%. Đáng lưu ý, không chỉ nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh mà ngay cả cổ phiếu bluechip thuộc “hàng cơ bản” cũng bị đem ra bán hàng loạt khiến nhiều mã giảm sâu.

Nếu như trước đây, khi thị trường ở giai đoạn uptrend (tăng trưởng), bộ ba cổ phiếu “bank - chứng - thép” (ngân hàng - chứng khoán - thép) là những “mã trụ” nâng đỡ thị trường thì giờ đây, chúng dường như đang bị thất sủng. 

Tại phiên giao dịch chiều 6/5, sau khi VN-Index giảm 31,42 điểm xuống 1.329,26 điểm lúc kết phiên, trong nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, chỉ có KLB (KienLongbank) tăng giá, 26 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều giảm giá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán thậm chí không có mã nào xanh, nhiều mã giảm sàn như: AGR, APG, CTS, HCM, OCG, SSI, SHS, TVB. Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG (thép Hoà Phát) giảm 0,59%, NKG (thép Nam Kim) giảm 1,15%... 

Ngoài ra, một số mã tốt thuộc nhóm ngành cao-su, may mặc, nông nghiệp, công nghệ, phân bón cũng giảm mạnh trong tháng 4 như PHR giảm 14,3%; TNG giảm 9,4%; DBC giảm 16,9%; DCM giảm 13,36%, CTR giảm 10,27%...

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nhận định, thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh sau hai năm tăng trưởng quá nhanh, trong bối cảnh chứng kiến hàng loạt bất ổn của Việt Nam và thế giới như xung đột địa chính trị, lạm phát, FED tăng lãi suất, hoạt động thanh lọc thị trường vốn trong nước…

“Khi thị trường vào nhịp downtrend (giảm điểm), các cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu đã tăng trưởng quá “nóng” sẽ bị tác động trước, rồi lan sang các cổ phiếu cơ bản theo hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Ngoài ra, cổ phiếu giảm giá sâu sẽ tạo nên hiệu ứng call margin (lệnh gọi ký quỹ), khiến các công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu để bù tiền ký quỹ, nếu không sẽ bị bán giải chấp cổ phiếu (force sell) và các động tác này càng làm cổ phiếu giảm sâu, trong đó có bluechip”, ông Huy nói.

Giải thích hiệu ứng force sell làm cổ phiếu tốt giảm giá, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong trường hợp không thể bán giải chấp những cổ phiếu xấu của nhà đầu tư (do đã gãy nền giá, kém thanh khoản), công ty chứng khoán có thể đem những cổ phiếu tốt ra bán để nhanh chóng thu tiền về và điều này làm cổ phiếu tốt mất điểm.

Ngoài ra, cũng còn một số lý do nội tại của chính các nhóm ngành. Đơn cử như nhóm ngân hàng gần đây kém thu hút là vì chính sách cổ tức kém hấp dẫn. 

Lựa chọn cổ phiếu để “tránh bão”

Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội - MB (MBS) nhận định, trong dài hạn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều đỉnh mới vì xu hướng đi lên của thị trường sẽ là tất yếu. Ông Hà nói rằng, cơ hội nhân đôi, nhân ba tài khoản nhờ “ăn bằng lần” giá cổ phiếu sẽ không còn dễ dàng như hai năm trước song không có nghĩa là không có nhà đầu tư nào thắng được thị trường.

“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, thời điểm này nhà đầu tư phải cân nhắc lựa chọn cổ phiếu tốt. Thị trường sẽ khởi sắc lại vào tháng 8, 9 năm nay cho đến sang năm”, ông Hà nêu quan điểm.

Gợi ý nhóm cổ phiếu tiềm năng để giúp nhà đầu tư “tránh bão”, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính gợi ý, nhà đầu tư hãy chú ý nhóm cổ phiếu có diễn biến “ngược sóng” thị trường thời gian qua như nhóm thủy sản, may mặc, bất động sản khu công nghiệp và lác đác ở một số ngành khác. Điểm chung của nhóm này là có kế hoạch tăng trưởng vượt trội so với kỳ vọng chung của thị trường. Ngoài ra, những doanh nghiệp nào sử dụng đòn bẩy ít thì cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Ông Bùi Văn Huy lại khuyến nghị nhà đầu tư hướng chú ý đến nhóm cổ phiếu “phòng thủ”, là nhóm ít chịu tác động bởi yếu tố vĩ mô và chu kỳ kinh doanh như nhóm cổ phiếu điện, nước, bất động sản khu công nghiệp… và nhóm doanh nghiệp làm ra dòng tiền đều đặn như dệt may, thủy sản, cảng biển…

Ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán MBS gợi ý nhà đầu tư có thể xem xét mua vào một số mã tốt thuộc rổ cổ phiếu VN30 bởi đây là nhóm khá “nhạy” với thị trường, thời gian tới khi thị trường hồi phục, nhóm này sẽ hồi phục đầu tiên.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2022 mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, hiện tại VN-Index đang có mức định giá (P/E) khá hấp dẫn là 12,4 lần (theo Bloomberg), thấp hơn mức trung bình 10 năm là 14,9 lần; nhóm VN30 có PE là 12,3 lần (tính đến ngày 29/4/2022) và PE dự phóng 2022 (dự báo thu nhập bốn quý tiếp theo) là 11,1 lần… và đây là cơ hội tốt để dòng tiền lớn nhập cuộc. 

Trong bối cảnh định giá đang hấp dẫn, VDSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý II/2022 được kỳ vọng tích cực như thủy sản (VHC, ANV), nhiệt điện khí (NT2), công nghệ (FPT) và ngân hàng (TCB, MBB, ACB, VCB, CTG). Với những nhà đầu tư giá trị có khả năng chịu đựng rủi ro cao, công ty chứng khoán này gợi ý áp dụng chiến lược đầu tư “ngược xu thế” đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản khi mặt bằng định giá của nhóm này hiện tại đã được chiết khấu sâu, đó là các doanh nghiệp bất động sản có nhiều dự án sẵn sàng mở bán (NLG, KDH, HDG), có tỷ suất lợi tức hấp dẫn (PHR, LHG).