Cơ hội của thị trường sản phẩm chăm sóc da

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường AMR, quy mô thị trường sản phẩm chăm sóc da tại Việt Nam là 989,7 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ là 1,922 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép CAGR là 11,7% từ năm 2021 đến năm 2027. 

Các sản phẩm chăm sóc da được bày bán tràn lan. Ảnh: BẮC SƠN
Các sản phẩm chăm sóc da được bày bán tràn lan. Ảnh: BẮC SƠN

Các yếu tố về sự nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe bản thân, các chủng loại sản phẩm, nhân khẩu và kênh bán hàng cho thấy cơ hội của thị trường sản phẩm chăm sóc da sẽ tăng doanh thu hơn 1,1 tỷ USD tính từ năm 2020 đến năm 2027. Đây là các sản phẩm giúp cải thiện làn da, giảm các tình trạng xấu đối với da, cải thiện vẻ ngoài bản thân. Hiện tại, có rất nhiều các sản phẩm chăm sóc da trên thị trường bao gồm kem dưỡng, lotion (sản phẩm chăm sóc da cơ bản hằng ngày), mặt nạ và serum (một dạng tinh chất). Các sản phẩm này được sản xuất bằng những hợp chất hóa học, dược liệu hay các thành phần tự nhiên. 

Việc người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chăm sóc bản thân đã thúc đẩy việc áp dụng các sản phẩm chăm sóc da hữu cơ. Thu nhập khả dụng cao hơn cùng dân số trẻ đang gia tăng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường sản phẩm chăm sóc da tăng trưởng. Thế hệ Z - giới trẻ sinh ra từ khoảng năm 1997 đến 2012 hiện đang chiếm 39,08% dân số, có xu hướng thích những nhãn hiệu thể hiện được giá trị và cái tôi của họ. Thế hệ này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo trực tuyến nhất.
 
Ngoài ra, sự gia tăng thâm nhập internet đã tác động tích cực đến việc bán các sản phẩm chăm sóc da bằng cách mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như giảm giá mạnh, dễ so sánh giá, có nhiều loại sản phẩm hơn và giao hàng tận nơi. Nhìn chung, những yếu tố này đã làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc da của người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng của hàng giả và làn sóng ưa chuộng các liệu pháp làm đẹp tiên tiến đã hạn chế sự phát triển của thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam. Nhưng, việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các thương hiệu nội địa có thể được coi là cơ hội để các nhà sản xuất chăm sóc da mở rộng hơn nữa đối tượng tiêu dùng của mình.

Theo phân tích, thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam được phân khúc dựa trên loại sản phẩm, nhân khẩu học, nhóm tuổi và kênh bán hàng. Xét trên chủng loại, phân khúc kem dưỡng da chiếm thị phần lớn nhất trong các sản phẩm chăm sóc da, vì kem và sản phẩm dạng kem được coi là một trong những sản phẩm chăm sóc da phổ biến nhất tại Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước đang sử dụng các sản phẩm chăm sóc da khác nhau do ý thức ngày càng tăng về ngoại hình và sức khỏe. Ngoài ra, việc áp dụng kem chăm sóc da đã tăng lên ở thế hệ Z, do những lợi ích đa dạng của nó giúp cải thiện tông mầu và kết cấu da. 

Để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng, các công ty chủ chốt trên thị trường đang tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để giới thiệu dòng sản phẩm mới trên thị trường sản phẩm chăm sóc da. Các công ty này đang đầu tư hơn nữa vào các hoạt động tiếp thị và bao bì sản phẩm để có thể tiếp cận tối đa đối với người tiêu dùng. 

Theo nhân khẩu học, phân khúc nữ chiếm ưu thế, chiếm hơn một nửa thị phần vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục xu hướng này. Dân số nữ chiếm khoảng 49,87% tổng dân số. Sự gia tăng dân số phụ nữ thành thị ở Việt Nam và nhu cầu giữ gìn vệ sinh cá nhân cơ bản gia tăng đã làm tăng việc bán các sản phẩm chăm sóc da. Một số yếu tố khác như sự gia tăng lực lượng lao động nữ và nâng cao nhận thức về việc duy trì vẻ đẹp lâu dài đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của thị trường chung. Tùy thuộc vào nhóm tuổi, phân khúc thế hệ millennial (đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90 thế kỷ trước) chiếm thị phần đáng kể trên thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam. Theo kênh bán hàng, phân khúc siêu thị/đại siêu thị chiếm thị phần đáng kể trên thị trường Việt Nam trong năm 2019, nhờ vào việc gia tăng các lợi ích mà phân khúc này mang lại như chiết khấu và cung cấp các lựa chọn tối ưu cho các sản phẩm mỹ phẩm. Khoảng 90% các sản phẩm mỹ phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam. Các thương hiệu nước ngoài bán sản phẩm của họ thông qua các nhà phân phối và siêu thị/đại siêu thị. 

Siêu thị/đại siêu thị đã trở nên phổ biến do có sẵn nhiều loại hàng tiêu dùng, chỗ đỗ xe rộng rãi và thời gian hoạt động thuận tiện. Sự sẵn có của mỹ phẩm trong siêu thị/đại siêu thị giúp tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng với nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm. Hơn nữa, đây là giải pháp một cửa, khiến chúng trở thành một lựa chọn mua sắm phổ biến. Một số siêu thị/đại siêu thị lớn trong nước đều có các mặt hàng mỹ phẩm phong phú.

Các công ty lớn trên thị trường sản phẩm chăm sóc da Việt Nam đã coi việc ra mắt sản phẩm mới là chiến lược phát triển trọng tâm nhằm mở rộng thị phần, tăng lợi nhuận và duy trì sức cạnh tranh. Các công ty chủ chốt hoạt động trong ngành sản phẩm chăm sóc da tại Việt Nam bao gồm Tập đoàn L’Oréal, Công ty Procter & Gamble, Unilever PLC, Bejesdorf AG, Estee Lauder Companies Inc., Công ty TNHH Shiseido, Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn và Marico. Yếu tố gia tăng trong việc ưa thích các sản phẩm hữu cơ, sử dụng dược liệu tự nhiên cũng đang là cơ hội để các công ty cả trong nước và nước ngoài cạnh tranh trên thị trường này.