Chọn hướng đầu tư dịp cuối năm

Nhận định chung của các công ty chứng khoán, hiện nay dù có sự phân hóa mạnh nhưng mặt bằng giá cổ phiếu (CP) đang ở mức hợp lý, không cao nhưng cũng không rẻ, phù hợp đầu tư trung hạn trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi. GDP được dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, nên có thể hy vọng thị trường tiếp tục mạnh lên và có tín hiệu nhen nhóm những sóng ngành mạnh mẽ.

Bối cảnh kỳ vọng kinh tế phục hồi phù hợp cho đầu tư trung hạn.
Bối cảnh kỳ vọng kinh tế phục hồi phù hợp cho đầu tư trung hạn.

Theo sóng lạm phát

Giá hàng hóa cơ bản tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng và vận tải toàn cầu đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, khiến các ngân hàng T.Ư phải tính đến giải pháp tăng lãi suất, giảm bơm tiền. Nhưng tại Việt Nam, có sự lệch pha, khi đỉnh dịch trên thế giới đã đi qua từ sáu tháng trước thì Việt Nam mới chỉ vừa chấm dứt giãn cách xã hội ở mức độ cao, làm cho tổng cầu suy yếu, nên áp lực của nhập khẩu, lạm phát nhẹ đi nhiều. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so tháng trước, CPI bình quân chín tháng năm 2021 tăng 1,82% so bình quân cùng kỳ năm 2020, vẫn đang cách xa so mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Chính bởi vậy, Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSIAM Bùi Văn Tốt nhận định, lạm phát trong các tháng tới không có rủi ro tăng quá cao do nhu cầu tiêu dùng sẽ cần thời gian phục hồi. Thực tế có thể được kiểm chứng tại TP Hồ Chí Minh khi hiện tại người dân vẫn rất hạn chế ra ngoài, đặc biệt là đến các nơi mua sắm đông người. 

Với việc lạm phát đang được kiểm soát tốt, Chính phủ sẽ có nhiều không gian hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế, qua đó sẽ có những tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, nên SSIAM vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng cao đối với CP trong danh mục.

Chính sự lệch pha về nguy cơ lạm phát của nền kinh tế trong nước mở ra cơ hội đầu tư vào CP được hưởng lợi. Dòng tiền cũng có xu hướng đầu tư vào các CP hưởng lợi từ tăng giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào, nhiều khi quên đi cả định giá cơ bản của CP. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản như: thép, dầu, khí đốt, phân bón, than, xi-măng, đá, cao-su, đường, gạo... tăng cao, trên thị trường chứng khoán tạo ra những cơn sóng ngành là điều có thể hiểu được.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp nhìn nhận, nhà đầu tư cá nhân sẽ không thể dửng dưng với những CP chu kỳ, thế nhưng phải xác định phần lớn những ngành hàng này chỉ mang chu kỳ ngắn, có thể rớt giá bất cứ lúc nào. Nếu đầu tư vào các loại CP này, cần phải quan sát và nhanh nhạy trong việc nhìn ra xu hướng hàng hóa thế giới. Nhà đầu tư cá nhân còn cần chú ý khi đầu tư nhóm CP này bởi, ngoài yếu tố giá có thể bất ngờ giảm trở lại, thì hiện tượng tăng giá hàng hóa như thế có tác động vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) hay không. Một điều nữa cũng không nên bỏ qua là đồ thị P/E của chính DN đó. Chỉ khi nào P/E ở vùng thấp thì đầu tư mới an toàn.

Đừng dễ dãi xuống tiền

Nhận định chung của các công ty chứng khoán hiện nay là mặt bằng giá CP ở mức hợp lý, phù hợp đầu tư trung hạn trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng GDP dự báo cao trong quý IV nên vẫn có thể hy vọng TT tiếp tục đi lên. “Cách đi lên có thể sẽ khác, không còn như thời điểm cuối năm 2020, nhưng nếu có phương pháp tốt, vẫn sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận mong muốn. Sẽ có nhiều thời điểm điều chỉnh hay tích lũy đi ngang. Việc lựa chọn “điểm vào” lúc này rất quan trọng”, giới phân tích khuyến nghị.

Hiện tại, đang có những cơ hội và rủi ro đan xen, xác suất có được lợi nhuận như giai đoạn trước thấp hơn. Do đó, việc đi sâu vào đánh giá bản chất DN rất quan trọng. Nên ưu tiên lựa chọn CP có triển vọng tốt trong năm 2022, định giá hợp lý, các DN có dòng tiền dồi dào và tỷ lệ cổ tức cao là điểm cộng. Ngoài ra, nên tránh những CP đã tăng quá nóng trong khi chưa có những chuyển biến thật sự về mặt cơ bản của DN. Bên cạnh đó, nên có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi thị trường có những chuyển biến xấu. 

Đối với nhà đầu tư cá nhân, danh mục thường sẽ ít CP hơn của quỹ, nên có thể phân bổ vào các nhóm ngành nhất định đang được hưởng lợi. Đơn cử, trong sáu tháng tới, với việc mở cửa trở lại và đẩy mạnh đầu tư công, các nhóm ngành hưởng lợi có thể là vật liệu xây dựng, bán lẻ, công nghệ, bất động sản và các CP hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng như đường, phân bón hoặc thép… Việc tác động lan tỏa theo ngành luôn tồn tại, nhưng mạnh nhất chỉ ở những DN đầu ngành nên nhà đầu tư nên lựa chọn những DN mạnh nhất để đầu tư an toàn và hiệu quả.

Thị trường hiện vẫn giao dịch ở vùng cản với lượng cung tiềm năng từ các nhà đầu tư mua giai đoạn trước đó tương đối lớn. Trong khi dòng tiền lớn chưa nhập cuộc thì sẽ khiến thị trường khó bứt lên. Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, nhưng cũng có nhiều ngành, DN hưởng lợi và nếu nhận diện được thì đây sẽ là những CP có sức phòng thủ tốt nhất trong giai đoạn hiện tại. 

Mặt khác, thị trường hiện tại phần nào bị chi phối bởi nhà đầu tư mới và họ chỉ kỳ vọng lợi nhuận 10% hay 20%, thậm chí 5%, cộng thêm lãi từ margin đã rất hài lòng. Điều này khá dễ hiểu, khi dịch bệnh khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư ở các kênh khác bị gián đoạn, còn thị trường chứng khoán vẫn hoạt động thông suốt, dễ tham gia và vốn đầu tư ban đầu thấp. Lãi suất tiền gửi thấp sẽ tiếp tục là lực đỡ cho xu hướng này.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Phân tích nghiên cứu, CK Yuanta Việt Nam kỳ vọng, con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và nhận định đây là yếu tố chính hỗ trợ quan điểm tích cực về dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2021 và cả năm 2022.