Chỉ số xác lập đỉnh mới

Với sự trở lại của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) và CP ngành thép, dòng tiền lưu thông mạnh đã dẫn dắt thị trường (TT) tăng cao. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua ngày 18-6, chỉ số VN Index tăng gần 17,85 điểm và xác lập đỉnh đóng cửa lịch sử mới ở ngưỡng 1.377,77 điểm. 

Chốt phiên cuối tuần, VN Index tăng 17,85 điểm, lên ngưỡng 1.377,77 điểm. Ảnh: NGUYỆT ANH
Chốt phiên cuối tuần, VN Index tăng 17,85 điểm, lên ngưỡng 1.377,77 điểm. Ảnh: NGUYỆT ANH

Phiên đáo hạn phái sinh (ĐHPS) ngày 17-6 đã tiếp tục xuất hiện những biến động bất ngờ trong nhóm blue chip VN30. Dù vậy, thực tế nhóm này vẫn giao dịch kém, trong khi các CP vừa và nhỏ bùng nổ.

VN Index kết phiên này tăng 0,25% so tham chiếu, tương đương tăng 3,4 điểm, trong khi VN30 Index giảm 3,67 điểm. Tuy nhiên, TT không hề tiêu cực. Trái lại, dòng tiền đang vận động một cách rõ ràng, thậm chí tạo sóng ở một số CP/nhóm CP.

Chỉ số Midcap Index sàn HoSE đóng cửa tăng vọt 1,47% so tham chiếu, là chỉ số nhóm vốn hóa tăng mạnh nhất TT này. Không chỉ vậy, số mã tăng ở rổ này tới 44 mã trong khi giảm chỉ là 16 mã. Rổ Midcap cũng có tương quan CP tăng giảm giá tốt nhất TT. Thanh khoản của nhóm Midcap cũng bùng nổ, đạt 6.411,1 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Mặc dù so VN30, con số này còn nhỏ, nhưng so chính rổ này, đây lại là ngưỡng cao kỷ lục. Liên tiếp ba tuần trở lại đây, Midcap xuất hiện các phiên giao dịch vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng, nhưng phiên này là lớn nhất.

Giá CP tăng nhiều, thanh khoản lớn là sự kết hợp tích cực cho diễn biến giao dịch. Những đại diện tiêu biểu tăng giá của rổ này có thể kể đến là: ANV, SJS, AAA, ROS, FLC ở ngưỡng kịch trần. KBC, VHC, PHR, DRC, PTB... tăng hơn 4%.

Dòng tiền có thật sự tìm đến các mã Midcap hay không vẫn còn cần nhiều bằng chứng hơn nữa. Tuy vậy, dễ thấy là chỉ những CP có tính chất đầu cơ hoặc một nhóm chọn lọc là “gánh” thanh khoản cho cả rổ. Thí dụ, phiên này là nhóm FLC, ROS, CP dầu khí như PVD, thủy sản như VHC, bất động sản khu công nghiệp như KBC... Nhóm CP vốn hóa nhỏ cũng khá tốt, chỉ số của rổ Smallcap tăng 0,98%. Một số cũng đạt mức tăng kịch trần như: TAC, DLG, ITC, APG...

Với số lượng CP tăng giá áp đảo trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, rất có khả năng một bộ phận dòng tiền đầu cơ đang tạo sóng ở những mã này. Hiện tượng nhóm ngành cũng khá rõ như CP thủy sản, CP phân bón và CP mía đường đang có tiến triển giá rõ rệt. Song song với tín hiệu tăng thanh khoản ở nhóm Midcap, các blue chip VN30 lại sụt giảm thanh khoản. Thật vậy, tổng giá trị khớp của VN30 phiên này chỉ còn 10.086,4 tỷ đồng, giảm 16,5% so phiên kề trước.

Các blue chip có nhịp phục hồi tăng giá mạnh trong phiên chiều, nhưng lại bị tác động đột ngột lúc đóng cửa. Phiên này là phiên ĐHPS nên diễn biến đảo chiều cũng có khả năng xảy ra. Dù vậy áp lực bán vẫn tương đối mạnh mới có thể đảo chiều được những mã siêu thanh khoản như: HPG, VPB, VIC, VNM... Nhóm CPNH thì vẫn có khá nhiều mã tăng…

Như vậy, khó có thể nói các blue chip đang thoái trào mà đang chuyển sang giai đoạn phân hóa. Dù vậy cơ hội lợi nhuận sẽ thu hẹp dần do các blue chip cần dòng tiền rất lớn mới có thể tăng giá tốt. Trong khi đó, dòng tiền lại đang có tín hiệu tìm kiếm cơ hội ở các mã trung bình và nhỏ.

Phiên cuối tuần qua là thời điểm giao dịch căng thẳng khi cả hai quỹ ETF nước ngoài thực hiện tái cơ cấu danh mục. Thông thường thanh khoản sẽ tăng mạnh. Dù vậy, lúc này dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) trong nước quá áp đảo, nên sẽ khó có biến động mạnh, thậm chí chưa chắc đã dao động bằng phiên ĐHPS.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn chung, “sức khỏe” TT vẫn còn khá ổn, diễn biến điều chỉnh này đang cho thấy rủi ro chỉ số giảm mạnh trong ngắn hạn là không cao, cơ hội cho chỉ số sớm tăng lại vượt đỉnh đang có phần nhỉnh hơn. Nhóm CPNH sau khi điều chỉnh về một vùng giá hấp dẫn thì có thể sẽ sớm quay lại và sẽ là chìa khóa cho việc chinh phục mốc 1.400 điểm của VN Index. 

Không nằm ngoài dự báo trên, khi TT trở lại phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 18-6, sắc xanh bao phủ trên diện rộng nhóm CP blue chip, đặc biệt là đồng loạt dòng CPNH đều giao dịch khởi sắc, giúp TT tiếp tục tiến bước trên con đường chinh phục lại vùng đỉnh lịch sử. Trong đó, những CP như: VCB, TCB, MBB, STB đều tăng hơn 1%, đáng kể là CTG tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 với mức tăng hơn 3%.

Sự tăng trở lại ồ ạt của CPNH vào thời điểm khá trùng hợp là TT đang tìm động lực vượt đỉnh, mặc dù tạo ra sự hy vọng nhưng cũng dẫn đến những sự thận trọng nhất định. CPNH sau chuỗi giảm điểm liên tục, phiên này nhiều CP đã bật tăng trở lại chỉ đơn thuần là nhịp hồi kỹ thuật, nên thiếu tính bền vững để tiếp tục dẫn dắt TT như giai đoạn trước. Do đó, TT vẫn thiếu động lực để chinh phục lại đỉnh cũ, chỉ số VN Index biến động khá giằng co quanh vùng giá 1.370 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều cuối tuần qua, TT đã không phụ lòng NĐT khi đà tăng tiếp tục được nới rộng giúp VN Index nhanh chóng chạm mốc 1.375 điểm chỉ sau vài phút mở cửa. Dòng tiền chảy mạnh với sự trở lại của nhóm CPNH và nhóm CP ngành thép đã dẫn dắt TT tăng cao.

Thực tế, dù vẫn có chút rung lắc nhẹ tại vùng đỉnh nhưng với trụ đỡ chính là cặp “song mã” VHM và VCB, VN Index đã nới rộng biên độ với mức tăng gần 18 điểm và xác lập vùng đỉnh mới ở ngưỡng 1.377 điểm, đây cũng là mức giá cao nhất trong phiên của chỉ số này.

Chốt phiên, trên sàn HoSE, VN Index tăng 17,85 điểm, lên ngưỡng 1.377,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 809 triệu đơn vị, giá trị gần 23.735 tỷ đồng, cùng tăng hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so phiên kề trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.820 tỷ đồng.