Các vùng hỗ trợ bị xuyên thủng

Những bất cập về bảng điện tử tiếp tục được thể hiện trong phiên sáng 8-6, nhà đầu tư (NĐT) sau cú sốc phiên sáng đầu tuần, có lẽ đã phải chấp nhận thực tế này. Tình trạng bán tháo không còn diễn ra dù tiếp tục phải “chơi cờ mù”, thị trường (TT) đã có một phiên sáng điều chỉnh hợp lý nối tiếp nhịp giảm phiên đầu tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8-6, VN Index giảm 38,9 điểm, xuống ngưỡng 1.319,88 điểm. Ảnh: NAM ANH
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8-6, VN Index giảm 38,9 điểm, xuống ngưỡng 1.319,88 điểm. Ảnh: NAM ANH

Hàng loạt cảnh báo xuất hiện cuối tuần qua dường như cũng tác động nhất định tới tâm lý NĐT. Nhu cầu chốt lời cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) tăng đột biến, sau đó lan tỏa ra nhiều CP khác trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 7-6. Không chỉ vậy, một số phân tích từ công ty chứng khoán (CK) cũng cho rằng, CPNH đang ở mức giá cao. Chưa hết, số liệu thống kê margin chính thức cũng cho thấy sức mua rất căng. Những thông tin cuối tuần qua đã có ảnh hưởng nhất định. Ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 7-6, CPNH đã xuất hiện áp lực bán rất lớn. Vào phiên, một số mã giảm sát giá sàn. BID thậm chí còn chạm sàn. 

Ảnh hưởng của nhóm CPNH cực lớn. Thứ nhất là yếu tố tâm lý. NH đang là những CP thu hút dòng tiền lớn nhất, tăng giá khỏe nhất. Có thể nói những lực lượng lạc quan nhất và tham lam nhất đang tập trung tại nhóm CP này. Do đó khi bị xả hàng ồ ạt đồng loạt, nghĩa là có sự thay đổi rất đáng chú ý.

Thứ hai, điểm số của VN Index bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các mã CPNH lớn như: VCB, CTG, BID, CTG, TCB. Thật vậy, VN Index ghi nhận mức giảm sâu nhất khoảng 1,95% so tham chiếu. Cần nhấn mạnh rằng chỉ số này đã không được cập nhật và hiển thị số liệu thường xuyên trong phiên, nên ngay cả mức giảm sâu nhất nói trên cũng chưa hẳn đã chính xác.

Tuy nhiên, có thể tham khảo chỉ số VN30 Index. Chỉ số này giảm sâu nhất 2,4% trong phiên. Mức giảm này khá trung thực, vì VN30 được cập nhật tốt hơn phục vụ cho giao dịch phái sinh. Mức giảm vượt 2% cho thấy biến động ở giá CP rất lớn. Ảnh hưởng của nhóm CPNH cũng dẫn đến hàng loạt các nhóm CP khác bị xả. Tiêu biểu là nhóm CPCK, những mã cũng mới nổi gần đây sau NH. Có tới 20 CPCK trên cả ba sàn giảm kịch biên độ trong phiên. Về cuối ngày, cũng có lực cầu bắt đáy nhất định xuất hiện, nhưng sáu mã nhóm CPCK vẫn tiếp tục nằm sàn. 

Đợt xả hàng mạnh phiên này không phải là bất ngờ, vì đà đi lên của TT quá mạnh, tạo nên sức ép quá lớn từ khối lượng CP có lãi. NĐT đang “ôm” một lượng CP khổng lồ mà bán rẻ cũng vẫn lãi lớn. Trong khi đó, giá đã tăng ngày một cao nên lực mua càng suy yếu.

Đó là sự thay đổi cung cầu bình thường của bất kỳ TT nào: Giá càng lên, sức ì càng lớn. Nếu NĐT không chốt lời thì quả bóng càng được bơm căng và đến lúc sẽ phải nổ. Những phiên xả hàng như phiên này sẽ khiến một lượng lớn NĐT đổ hàng ra bán chốt lời, từ đó làm giảm khối lượng CP đang treo trên cao. Lực bán rất mạnh một phần vì NĐT quá lãi, thậm chí bán giá sàn vẫn trong tâm lý thoải mái. Mặt khác, do hệ thống giao dịch không được trơn tru nên cách tốt nhất là bán bằng lệnh TT. Lệnh này ưu tiên khớp hết khối lượng đặt ở bất kỳ mức giá nào, nghĩa là chỉ khi hết dư mua giá sàn thì mới không khớp được.

TT tăng rất tốt trong một thời gian dài là nhờ dòng tiền mới vào ngày một nhiều. Phiên này, khi giá giảm sâu, lực cầu bắt đáy lại xuất hiện và nhiều mã được đẩy lên. Tuy vậy không nhiều CP có khả năng quay lại tham chiếu hoặc vượt tham chiếu trong nhịp phục hồi. Dòng tiền vào cần được duy trì lớn hơn nhu cầu chốt lời mới có thể giữ TT cân bằng trở lại. TT nhờ vậy vẫn sẽ thu hút dòng tiền ở lại tìm kiếm cơ hội.

Những bất cập về bảng điện tử tiếp tục được thể hiện trong phiên sáng 8-6, NĐT sau cú sốc phiên sáng đầu tuần, có lẽ đã phải chấp nhận thực tế này. Tình trạng bán tháo không còn diễn ra dù tiếp tục phải “chơi cờ mù”, TT đã có một phiên sáng điều chỉnh hợp lý nối tiếp nhịp giảm phiên đầu tuần.

Tâm điểm của phiên sáng 8-6 vẫn là dòng CPNH, CK, thép và có bổ sung thêm nhóm CP dầu khí. CP của các nhóm này, đã tăng mạnh trước đây và được xác định là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng căng margin, có thêm nhịp “hạ cánh mềm”. Những NĐT muốn giảm tỷ lệ đòn bẩy hoặc chốt lời, đều dễ dàng thực hiện được nhờ sức cầu vẫn khá tốt tuy ở vùng giá thấp.

Trong phiên, lực mua nhanh chóng nhập cuộc đã giúp chỉ số này quay đầu tăng trở lại. Dù vậy, hiện tượng phải “chơi cờ mù”, “loạn giá” tiếp tục diễn ra, khi phải tương đối lâu bảng giá mới nhấp nháy, giao dịch trở nên khó khăn, VN Index và thanh khoản chính của TT vẫn đứng hình, không nhảy số như những ngày gần đây. Sau nửa đầu phiên cố gắng giữ sắc xanh, áp lực bán quay trở lại và hướng đến không ít đến các blue chip đã khiến VN Index đảo chiều trở lại xuống dưới tham chiếu. 

Nếu như kết thúc phiên sáng 8-6, TT chỉ đơn giản ra chỉ báo về một phiên điều chỉnh tiếp theo, cơ hội đảo chiều trở lại xu hướng tăng điểm vẹn nguyên thì bước sang phiên chiều, như cơn mưa bất chợt ở Hà Nội, lệnh bán ồ ạt đã đập tan hy vọng phục hồi. Các vùng hỗ trợ bị xuyên thủng một cách dễ dàng, cùng với nhiều CP trắng bên mua trong phiên, xu hướng tăng ngắn hạn của TT đã bị gãy.

TT rớt mạnh và dứt khoát, nhiều mã có dấu hiệu bị xả margin khối lượng lớn về nằm giá sàn. Các mã CPNH, CK, thép không ngoại lệ, cơ bản đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và từ đó kích hoạt lệnh bán chốt lời hoặc xả margin. 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8-6, VN Index giảm 38,9 điểm, xuống ngưỡng 1.319,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 924,51 triệu đơn vị, giá trị 30.296,56 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 5% về giá trị so phiên đầu tuần.