Bảo đảm thị trường xuyên suốt và minh bạch

Sau 21 năm, kể từ 2000 - thời điểm thị trường (TT) chỉ có hai cổ phiếu (CP), với sự đóng góp lớn từ thành viên TT, từ doanh nghiệp (DN) tiên phong niêm yết và đồng hành, đến nay TT chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế. Trong suốt quá trình phát triển, Ủy ban CK Nhà nước (UCBKNN) luôn kiên định việc hạn chế can thiệp hành chính vào TT, bảo đảm TT được xuyên suốt, công bằng, minh bạch.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện cơ hội TTCK nửa cuối năm 2021”.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện cơ hội TTCK nửa cuối năm 2021”.

Từ đó đến nay, dù có không ít thách thức, đặc biệt kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra nhiều khó khăn, song TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, cùng với sự phát triển của các DN và nền kinh tế, thu hút đông đảo các nhà đầu tư (NĐT). Chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện cơ hội TTCK nửa cuối năm 2021” nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư, đơn vị tổ chức buổi tọa đàm cho biết, thực tế, hiện có rất nhiều vấn đề đặt ra với sự phát triển của TTCK, song với góc nhìn của những người rất am hiểu về TTCK, mong rằng những phân tích, nhận định của giới chuyên môn và các nhà quản lý về cơ hội trên TTCK nửa cuối năm 2021 gắn với nền kinh tế và hoạt động DN sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho các NĐT.

Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn chia sẻ, ngày 28/7/2021 là ngày kỷ niệm 21 năm TTCK Việt Nam đi vào hoạt động. Năm 2000 chỉ có hai CP, sau 21 năm, sự đóng góp lớn từ thành viên TT, từ DN tiên phong niêm yết và đồng hành, đến nay, TTCK trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu của nền kinh tế. Và nhiều DN cũng gặt hái được thành công nhất định. Trong sáu tháng đầu năm 2021, TTCK có biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là do hệ thống nghẽn lệnh, nhưng với sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, UBCKNN, đến nay hệ thống trên HoSE đã thông suốt.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên phụ trách HĐQT HoSE, về tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới mà HoSE, HNX, Trung tâm Lưu ký CK (VSD) triển khai với nhà thầu KRX là hệ thống tích hợp có mức độ phức tạp, không chỉ áp dụng thông lệ quốc tế, mà còn chỉnh sửa phù hợp thực tiễn tại Việt Nam, nên triển khai có những khó khăn nhất định. Dự án đã đi vào giai đoạn kiểm thử nội bộ đối với ba đơn vị HoSE, HNX, VSD kiểm tra chức năng nghiệp vụ hệ thống mới, đồng thời kết hợp kiểm thử đến các công ty chứng khoán (CTCK) từ ngày 14/6 dự kiến kết thúc ngày 16/8. Với CTCK thành viên, hiện kiểm thử kết nối đang trên tinh thần tự nguyện, đã thực hiện với 21 CTCK. Sau giai đoạn này sẽ kiểm thử với toàn bộ thành viên TT và kiểm thử lần cuối tổng thể để vận hành chính thức.

Là chủ DN đã lớn lên và thành công cùng với TTCK, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của DN niêm yết. Năm 2020, Việt Nam rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh nên vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sáu tháng đầu năm vẫn rất tốt, đặc biệt chính sách tiêm vaccine, không đóng cửa DN. DN hoạt động nên đóng góp GPD có thể đạt 6,5%. Nhìn từ công tác phân bổ tiêm vaccine tại Bắc Ninh, Bắc Giang… và hiện tại là TP Hồ Chí Minh thì việc dập dịch sẽ tốt. Với sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ, chúng ta giữ được niềm tin với NĐT nước ngoài. TTCK có phát triển tốt hay không phụ thuộc vào sức khỏe DN. Các DN lớn của nước ngoài vẫn đặt niềm tin rất lớn tại Việt Nam. Các DN niêm yết huy động vốn tốt, tạo niềm tin cho TT sắp tới.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, xu hướng đầu tư mà Việt Nam muốn hướng tới đó là đầu tư vào các DN hướng đến phát triển bền vững. Hiện, có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiếp cận HoSE và mang xu thế đầu tư trên thế giới vào Việt Nam. Hy vọng xu thế đầu tư này có ảnh hưởng tới NĐT trong nước, khi quyết định đầu tư nên quan tâm tới phát triển bền vững DN.

Về TT, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital Lê Anh Tuấn nhận định, nhìn vào TT giai đoạn vài tháng qua, giảm 13 - 14% so đỉnh, nhưng phải nói TT có sự trưởng thành vượt bậc. Trên sàn HoSE, với mức thanh khoản 15.000 - 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn TT là mức hợp lý. Trước khi Covid-19 trở thành vấn đề lớn, thì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các DN khoảng 50 - 52%, nhưng vì Covid-19 nên dự báo giảm xuống, tăng trưởng 40% cho năm 2021, và năm 2022 nếu kiểm soát được dịch thì lợi nhuận tăng 22 - 25%. Dòng tiền nước ngoài sẽ quay lại, dòng tiền mới thay thế dòng tiền cũ. 

Đặt nhiều kỳ vọng với kế hoạch của HoSE, theo Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn, ngoài vấn đề khung pháp lý, thì nền tảng hệ thống công nghệ rất quan trọng, trong đó có gói thầu công nghệ của HoSE. Hiện nay, đang vận hành hệ thống FPT nâng cấp thì khả năng xử lý đang rất tốt, nên cần có giai đoạn chạy thử thật tốt, kỹ, để qua hệ thống mới thay thế hệ thống FPT bảo đảm trơn tru, không có sự cố.

Nhận diện cơ hội TTCK nửa cuối năm 2021, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, về triển vọng trong sáu tháng cuối năm, với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng ngừa dịch bệnh, các chính sách đồng bộ của Chính phủ, như chiến dịch tiêm vaccine... hy vọng đến cuối năm, có thể kiểm soát được dịch bệnh, qua đó bảo đảm tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia thu hút FDI tốt và Chính phủ có quyết tâm cao về kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất. UCBKNN luôn kiên định việc hạn chế can thiệp hành chính vào TT, bảo đảm TT được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch.