Ảnh hưởng của EVFTA tới các ngân hàng

Nghiên cứu mới nhất của hai tác giả Hoang Nguyen và Youngbok Ryu tại Đại học Northeastern, thành phố Boston (Mỹ) về “Đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên của các hiệp định thương mại tự do” cho rằng các ngân hàng Việt Nam đang quan tâm tới lợi nhuận tài chính hơn sức khỏe tài chính và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

EVFTA có thể gây tổn hại hoạt động tài chính của các ngân hàng do các khoản nợ xấu.
EVFTA có thể gây tổn hại hoạt động tài chính của các ngân hàng do các khoản nợ xấu.

EVFTA đã chính thức được ký kết và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Mặc dù EVFTA cũng tương tự như các hiệp định thương mại tự do trước đây, nhưng nó nổi bật hơn so với các hiệp định khác. Vì nó có thể tác động ngay lập tức đến lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.

Trong vòng 5 năm đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tín dụng EU mua tới 49% cổ phần tại hai ngân hàng thương mại cổ phần, ngoại trừ bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank). Về ngắn hạn, cam kết này sẽ thu hút dòng vốn từ châu Âu, đồng thời tích hợp công nghệ và bộ máy quản lý hiện đại cũng như các sản phẩm tài chính - ngân hàng hiện đại.

Ngoài ra, EVFTA có thể kích thích các dịch vụ tài chính của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là thông qua công nghệ tài chính (Fintech). Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính thiết thực, thông qua đó các nhà cung cấp nước ngoài được phép chuyển thông tin trong và ngoài Việt Nam, đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp có lựa chọn tốt hơn trong việc sử dụng các dịch vụ tiếp cận, đầu tư cũng như các phương thức cấp vốn và tái cấp vốn sẵn có.

Mặt khác, EVFTA có thể đặt ra một số thách thức. Thứ nhất, lợi ích từ EVFTA có thể không giống nhau giữa các khu vực. Thứ hai, năng lực cạnh tranh về công nghệ và quản lý tương đối thấp của các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy khả năng dễ bị tổn thương trước nguy cơ bị sáp nhập hoặc sáp nhập vào các tổ chức tài chính hàng đầu của EU. Cuối cùng, việc thiếu khung pháp lý liên quan đến Fintech có thể tạo ra các vấn đề xã hội.

Nghiên cứu của hai tác giả đã đánh giá hoạt động của 31 ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 dựa trên phân tích dữ liệu để kiểm tra hai giả thuyết. Đầu tiên là các cam kết của EVFTA, bao gồm cả việc cập nhật hệ thống Fintech, có thể liên quan tích cực đến hoạt động của ngân hàng. Thứ hai là vị trí của các ngân hàng, bị cản trở bởi sự không đồng nhất mức độ tập trung đô thị và mức độ phát triển bất động sản ở các vùng khác nhau, có thể gắn liền với hoạt động của các ngân hàng.

Đối với giả thuyết đầu tiên, nghiên cứu cho thấy EVFTA có thể khuyến khích sự phát triển của các ứng dụng fintech ở Việt Nam, kích thích các ngân hàng không đồng nhất tham gia cuộc đua về đổi mới công nghệ cao trong các dịch vụ bổ sung ngân hàng internet, tiền tệ kỹ thuật số, thanh toán điện tử robot cố vấn. Tại Việt Nam, các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên điện thoại di động cùng với Ví điện tử (ứng dụng thanh toán của bên thứ ba), hỗ trợ giao dịch hóa đơn điện tử, bao gồm phí điều hòa không khí, phí đi học và phí bảo trì. Hơn nữa, EVFTA giúp tiếp cận Fintech 3.0, trong đó khả năng của ngân hàng không chỉ giới hạn trong việc sàng lọc lịch sử giao dịch của khách hàng mà còn có thể sử dụng thao tác dữ liệu lớn để quản lý rủi ro tín dụng.

Tuy nhiên, khía cạnh chi phí của Fintech có thể lớn hơn khía cạnh lợi ích. Fintech có thể gây ra nợ xấu nhiều hơn, dẫn đến rủi ro tín dụng của ngân hàng cao hơn. Việc không có một quy định pháp lý lành mạnh về Fintech và bảo vệ người tiêu dùng phù hợp đã làm gia tăng các khoản nợ xấu thông qua hoạt động cho vay ngang hàng P2P, các công ty đầu tư và dịch vụ cầm đồ bất hợp pháp. 

Đối với giả thuyết thứ hai, nghiên cứu chỉ ra các ngân hàng có trụ sở chính tại khu vực phía nam có xu hướng quan tâm đến rủi ro tín dụng tốt hơn so với các ngân hàng ở khu vực phía bắc. Có sự khác biệt về điều kiện kinh tế giữa hai khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực phía bắc cao hơn nhiều so khu vực phía nam. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua đường biển của khu vực phía bắc nhỏ hơn nhiều so với khu vực phía nam. Điều kiện kinh tế ở khu vực phía nam có thể góp phần vào hoạt động tài chính lành mạnh hơn. Ngoài ra, phía bắc có nhiều hơn các doanh nghiệp nhà nước trong khi phía nam có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. 

Cuối cùng, kết quả phân tích có thể được giải thích từ lăng kính thị trường bất động sản, vì cho vay quá nhiều đối với bất động sản thường là một trong những nguồn rủi ro tín dụng chính. Điều này cũng đúng ở Việt Nam. Như trong cuộc khủng hoảng tài chính, sự mở rộng quá mức của thị trường bất động sản do dòng vốn đổ vào ồ ạt có thể biến động và chịu rủi ro giá trị bất động sản giảm mạnh do suy thoái kinh tế, có thể dẫn đến khủng hoảng ngành ngân hàng. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2019, hầu hết hoạt động xây dựng nhà ở xã hội và căn hộ chung cư diễn ra ở khu vực phía bắc. Số dự án đã hoàn thành ở đồng bằng sông Hồng là 10.025 dự án, tiếp theo là Đông Nam Bộ (1.856) và đồng bằng sông Cửu Long (1.409).

Nghiên cứu cho ra kết luận mặc dù EVFTA có thể đóng góp vào hiệu quả hoạt động tài chính của các ngân hàng Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán và phòng ngừa rủi ro nước ngoài, nhưng nó có thể gây tổn hại hoạt động tài chính của các ngân hàng do các khoản nợ xấu có nguồn gốc từ Fintech và thiếu các quy định liên quan; và các ngân hàng ở miền nam vượt trội hơn so với các ngân hàng ở miền bắc trong việc quản lý rủi ro tín dụng bằng cách kiểm soát tốt hơn nợ xấu, chủ yếu là do sự biến động của thị trường bất động sản và từ các yếu tố bên ngoài tích cực hơn.