Yếu tố quyết định mục tiêu

Ngân hàng (NH) lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng trưởng tín dụng (TTTD) và tăng tổng tài sản. Đây cũng là động lực cho giá cổ phiếu (CP) NH trên thị trường (TT) chứng khoán (CK).

Vấn đề đặt ra là trong giai đoạn vừa qua - quý II có phải là quý “đỉnh” về lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung và NH nói riêng hay không? Và liệu giá CPNH có phản ánh diễn biến tương tự, nghĩa là đang ở đỉnh?

Trong chương trình tư vấn đầu tư chủ đề “Ngành NH - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” do SSI tổ chức mới đây, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI Nguyễn Minh Hạnh cho biết, trong mô hình đầu tư hiện tại, các nhà đầu tư (NĐT) có đến 85% là NĐT cá nhân thì cơ bản đầu tư theo xu hướng “khi nào tăng trưởng thì tham gia, còn suy giảm thì rút đi” để tham gia CP có tăng trưởng tốt hơn.

Với TT hiện nay, để dòng tiền quay lại mạnh mẽ thì chỉ có hai cách, các CP nói chung và CPNH nói riêng phải có những câu chuyện, chất xúc tác mới, hoặc khi nhìn thấy định giá của CPNH rất rẻ rồi mới quay lại. Trong khi đó, xu hướng chung là nhiều NĐT đang nhìn nhận theo hướng giảm tốc, bởi thay vì tăng trưởng lợi nhuận nhóm NH tới 60% trong nửa đầu năm, thì có thể chỉ còn tăng khoảng 12 - 15% trong sáu tháng cuối năm.

Bên cạnh nỗi lo về kết quả kinh doanh sẽ không tăng trưởng bằng nửa đầu năm, các NĐT còn nhìn lại vấn đề tăng vốn ở nhiều NH - là chất xúc tác cho CPNH nửa đầu năm 2021, thì nay đặt trong bối cảnh điều chỉnh lại NĐT lo lắng hơn tới vấn đề “pha loãng” CP.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia của SSI ước tính, tổng số vốn tăng thêm từ các đợt phát hành của NH là 82.000 tỷ đồng trong năm 2021, tương ứng tăng 31% so cùng kỳ.

Theo Tổng Giám đốc TienphongBank Nguyễn Hưng, NH lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Chỉ khi NH có quy mô lớn, có vốn tự có lớn thì mới có sức chống chịu trước biến động, rủi ro TT lớn và có cơ hội tăng trưởng. Các NH phải đầu tư vào các danh mục về tín dụng, về cho vay thì mới có thu nhập, tăng lợi nhuận, từ đó có cổ tức trả cổ đông. Cổ đông dĩ nhiên luôn muốn đầu tư vào danh mục có cổ tức cao nhất. Luôn luôn trong vòng quay như vậy, đòi hỏi NH phải luôn quản trị một cách hiệu quả nhưng yêu cầu tăng vốn lúc nào cũng bức thiết. Và chính do nhu cầu bức thiết tăng vốn, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ TTTD được cấp tới đâu, nên các NH cũng cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Còn diễn biến CPNH trong nửa cuối năm sẽ có sự phân hóa, NĐT có thể tìm kiếm CP có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong cuối năm, có câu chuyện riêng như tăng vốn để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI Hoàng Việt Phương, với cơ cấu nhóm CPNH hiện chiếm 34% tổng VN Index, thì khi các NĐT mới tham gia khó bỏ qua các cơ hội trong ngành NH. Mỗi NH cũng có câu chuyện riêng liên quan tăng vốn và tăng trưởng, là yếu tố xem xét quyết định mục tiêu định giá CP của từng NH.