Xu hướng tháng 10

Dù giữ quan điểm thận trọng về xu hướng thị trường (TT) tháng 10, nhưng giới chuyên gia chứng khoán (CK) vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội. Trong khi đó, dòng tiền hỗ trợ TT hầu hết là của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân sẽ khó bền vững nếu các tổ chức và khối NĐT nước ngoài không có dấu hiệu dừng bán ròng.

Chỉ số VN Index bước vào tháng 10 vẫn đang giằng co ở mốc 1.350 điểm. Để bứt phá mạnh qua mốc này, cần có sự bùng nổ thanh khoản. Tuy nhiên, một trở ngại hiện tại là margin của các công ty chứng khoán (CTCK) đã gần chạm trần.

Nhận định về TT tháng 10, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI) Lê Ngọc Nam cho rằng, vẫn có xu hướng tốt cho các cổ phiếu (CP) nhóm ngành tài nguyên cơ bản (như thép), thủy sản, phân bón và logistics. Riêng nhóm CP ngân hàng (NH) sẽ chịu những tác động từ nợ xấu khi vấn đề này đang được thảo luận ngày càng nhiều hơn, dù Thông tư 14 đã giúp các NH có thêm thời gian cơ cấu, giãn, hoãn các khoản nợ xấu. Có thể, tháng 10 sẽ ghi nhận sự tái phân hóa trong nhóm CPNH và triển vọng sẽ tốt hơn với các NH có mức nợ xấu thấp hoặc nợ xấu được giải quyết tốt.

Hiện nay, TT đang giao dịch ở vùng tương đối ổn định và tích lũy đi ngang 1.320 - 1.370 điểm. Ngoài ra, giá của từng loại CP cũng đang có xu hướng tích lũy và phục hồi. Nhìn chung, trong quý III, tất cả những điều gì tiêu cực, ảnh hưởng xấu nhất đến TT đều đã được phản ánh. Do đó, bắt đầu từ quý IV sẽ có những câu chuyện mới, trong đó có cả kỳ vọng về sự phục hồi. Có thể bước vào tháng 10 TT sẽ chưa tăng mạnh, tăng cao nhưng có dấu hiệu cho bước tăng trưởng bền vững. 

Những dòng CP có khả năng phục hồi, được hưởng lợi sau dịch sẽ được NĐT chú ý nhiều hơn. Vậy nên, tháng 10 là tháng rất tốt để NĐT tích lũy và tìm kiếm CP có nền tảng, triển vọng tốt.

Đương nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố bất định, giới phân tích lưu ý, NĐT chỉ nên dùng đòn bẩy với tỷ lệ thấp trong tháng 10, bởi đây chưa phải là tháng để mạnh tay. Có thể những tháng sau, doanh nghiệp bộc lộ tình hình kinh doanh rõ hơn, TT ổn định và chắc chắn hơn, NĐT mới nên dùng đến những đòn bẩy cao.

Trong kịch bản TT đi ngang, rủi ro lớn nhất là những CP nhỏ, không có nền tảng, bởi khi “cuộc vui” thoái trào thì không có nhiều cơ hội để tăng trở lại. Nhìn vào định giá rõ ràng thời điểm hiện nay, việc tìm kiếm được CP hấp dẫn để đầu tư là vô cùng khó khăn. Giá của nhiều CP đã tăng mạnh trong hơn một năm qua. Với bối cảnh đó, NĐT không nên mua đuổi mà bỏ qua những yếu tố cơ bản.

Hiện tại chỉ số P/E VN Index là 16,42 lần, tương đương mức cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, TT hiện tại có nhiều điểm tương đồng trong việc tạo ra xu hướng đi ngang và đi lên những vùng cao mới. TT kỳ vọng nhóm CP vốn hóa lớn có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn tích lũy nên dòng tiền ngắn hạn có thể gia tăng vào nhóm này.

Tháng 10, cơ hội đến từ việc nền kinh tế có thể sớm mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ sớm quay về quỹ đạo sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, rủi ro chính là việc mở cửa từ từ mà không thể mở mạnh trong bối cảnh lạm phát thế giới đang cao ảnh hưởng tới Việt Nam. 

Trong khi đó, dòng tiền hỗ trợ TT hầu hết là của NĐT cá nhân sẽ khó bền vững nếu các tổ chức và khối NĐT nước ngoài không có dấu hiệu dừng bán ròng.