Vượt qua nỗi lo lạm phát

Những biến động của chỉ số lạm phát thời gian tới có đáng e ngại không, có tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) và buộc chiến thuật của các nhà đầu tư (NĐT) phải thay đổi?

Lạm phát tăng vọt khi nhiều nền kinh tế phát triển mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cộng thêm bão giá nguyên vật liệu cơ bản tiếp tục tăng cấp độ trong vài tuần qua, đã làm dấy lên nỗi lo về việc kinh tế trong nước có thể đối mặt với lạm phát gia tăng trong thời gian tới.

Trước hết, về yếu tố cung tiền, theo nhiều chuyên gia, có thể thấy một nghịch lý là trong khi Chính phủ liên tục bơm tiền vào nền kinh tế thì tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán lại sụt giảm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến cuối năm 2020 đã có 95 văn bản được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân với bốn gói chính sách lớn. Cụ thể, Chính phủ đã tung gói 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế, 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0%, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp DN vượt qua dịch Covid-19.

Tiếp sau đó là gói hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH) 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. 

Dù vậy, các báo cáo cho thấy, lượng tiền giải ngân rất thấp. Đơn cử, gói ASXH mới giải ngân… chưa tới 20.000 tỷ đồng. Những người thuộc nhóm lao động tự do hoặc phi chính thức, được xem là dễ bị tổn thương do đại dịch nhất, lại không thể tiếp cận được gói cứu trợ này…

Rõ ràng, một lượng tiền lớn có thể đang bị “mắc kẹt” trong hệ thống tài chính, cộng với tâm lý e dè trong tiêu dùng của người dân, chưa đủ tạo ra sức đẩy lạm phát. Bức tranh nền kinh tế Việt Nam thể hiện khá rõ điểm nhấn cung tiền liên tục tăng, quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhẹ, vận tốc của tiền giảm và lạm phát giảm mạnh. Hiện tượng này tương thích lượng tiền nhàn rỗi đang đổ vào tiết kiệm ngân hàng và các kênh đầu tư như bất động sản hoặc cổ phiếu trong suốt thời gian qua.

Tình trạng lạm phát thấp phù hợp vận tốc của tiền ngày càng giảm ở Việt Nam, điều này cho thấy sự sụt giảm trong giao dịch, tiêu dùng của DN và hộ gia đình.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư SGI Lê Chí Phúc, không đáng e ngại về lạm phát nói chung, nhưng những diễn biến gần đây về giá cả hàng hóa và những tác động của chúng với hiệu quả hoạt động DN là yếu tố mà NĐT chứng khoán buộc phải lưu ý để có hành động phù hợp.

Nhìn nhận về điều này, các NĐT nhiều kinh nghiệm và chiến thắng TT trong quý đầu năm 2021 tổng kết, biến động tăng của giá đầu vào sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên lợi nhuận các DN không có quyền đàm phán giá. Nhưng đối với các DN có vị thế đủ lớn, họ chuyển được ảnh hưởng này sang cho khách hàng và trung hòa bớt những hiệu ứng tiêu cực lên biên lợi nhuận.

Thực tế, việc thiếu lý do thuyết phục để chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ cùng độ trễ tác động khoảng ba tháng, lạm phát trong ngắn hạn chưa phải là mối lo ngại. Thậm chí, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, việc nắm giữ cổ phiếu của DN có nền tảng kinh doanh và sức khỏe tài chính tốt vẫn là kênh an toàn.