Vô tình thành... cổ đông

Đây là câu nói tếu táo của dân chứng khoán chỉ những nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn bị “kẹt hàng”. Nghĩa là sau khi mua thì giá cổ phiếu (CP) giảm, nên cố giữ CP lâu hơn để chờ phục hồi. Cũng chính vì điều này mà một loạt những hệ quả, những câu chuyện dở khóc, dở cười đã xảy ra. 

Cổ đông không họp

Theo ông Kiệt Nguyễn, một nhà môi giới với 15 năm kinh nghiệm phân tích, hiện nay có những doanh nghiệp (DN) trên sàn mà nếu tất cả cổ đông (CĐ) đều đi đại hội thì chắc phải tổ chức ở… sân vận động mới đủ chỗ ngồi. Nhưng trong thực tế, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường chỉ có mặt những CĐ thật sự quan tâm hoạt động của DN. Và cũng chưa có ĐHCĐ nào có số CĐ đến tham dự vượt quá 2.000 CĐ. Lâu nay, phần lớn các ĐHCĐ của DN làm tại các hội trường, trung tâm sự kiện lớn… và thông thường sức chứa những chỗ này chỉ khoảng 2.000 chỗ ngồi đổ lại. 

Điều này cũng đồng nghĩa có rất nhiều NĐT dù là CĐ nhưng không đi họp. Ở đây có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc “vô tình lướt sóng thành cổ đông”. Hoặc xét ở góc độ kỹ thuật, đơn giản hơn rất nhiều là vào ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách CĐ đi dự họp, CP vẫn giao dịch, có những người có quyền dự họp, nhưng đã bán ra ngay sau khi chốt, thì đến khi họp họ chẳng còn quan tâm. Hoặc có những người thuần túy giao dịch ngắn hạn nên chuyện đi họp ĐHCĐ chưa bao giờ là mối bận tâm. Chưa kể, nhiều khi ĐHCĐ tổ chức ở Hà Nội, nhưng NĐT lại sống ở TP Hồ Chí Minh nên không phải ai cũng có điều kiện đi dự. 

Bài học cơ cấu cổ đông

Cho đến trước năm 2015, tâm lý “hồi hộp” vẫn xuất hiện tại ĐHCĐ của một số DN vì không biết số lượng CĐ dự họp có đủ tỷ lệ cổ phần biểu quyết (hơn 50%) hay không. Thực tế, có nhiều ĐHCĐ bất thành vì không đủ tỷ lệ biểu quyết, hay đỡ hơn đôi chút là đợi CĐ đến đủ rồi họp. Nếu chỉ thuần túy “đổ thừa” tại CĐ vô trách nhiệm thì e rằng chưa thấu đáo, bởi CĐ có quyền không đi dự họp. Ở đây, chính lãnh đạo hay toàn thể DN cũng phải xem lại một vấn đề cốt yếu chính là cơ cấu CĐ. Sẽ không có tỷ lệ hay cơ cấu CĐ lý tưởng cho tất cả mà mỗi DN sẽ phải điều tiết sao cho phù hợp nhất.

Dù vậy, cần biết rằng nếu CĐ lướt sóng, ngắn hạn hay “vô tình” chiếm tỷ lệ sở hữu quá cao tại DN cũng đồng nghĩa với tỷ lệ sở hữu của CĐ dài hạn giảm xuống và điều này sẽ là thách thức lớn.

Ngoài việc DN có thể trở thành mục tiêu thâu tóm âm thầm, vì bên thâu tóm có thể dễ dàng hơn trong việc gom mua thì việc thiếu đi những CĐ lớn, tầm nhìn dài cũng có thể ảnh hưởng đường đi về mặt dài hạn, cũng như kiểm soát rủi ro về mặt quản trị. Khi đó, DN sẽ thiếu đi những tiếng nói phản biện từ phía các CĐ lớn và rủi ro chệch hướng, sai chiến lược là hiển hiện. 

Bởi rõ ràng là nếu DN còn có thể bị ảnh hưởng bởi CĐ ngắn hạn, thì không thể trông mong gì tầm nhìn hay giá trị dài hạn!