Vì sao dễ có hàng “nóng”?

Việc một loạt cổ phiếu (CP) có nhiều phiên tăng kịch trần, trong đó có CP của cả những doanh nghiệp (DN) thua lỗ đang gây ra sự ngạc nhiên và cả rủi ro cho các nhà đầu tư (NĐT). Câu hỏi đặt ra ở đây là không thiếu những cảnh báo, phân tích được đưa ra nhưng CP nóng vẫn xuất hiện và khuấy động thị trường?

Có thể chia sự xuất hiện hoặc biến mất của CP nóng làm ba giai đoạn: Nở rộ đợt 1 trong giai đoạn 2009-2010, thoái trào khi các “đội lái” bị xử lý, yên ắng đến trước 2020 và nở rộ đợt 2 kể từ năm 2021. Nghĩa là thị trường đã có một giai đoạn yên ắng với “hàng nóng” trong khoảng chục năm. Chỉ cách đây vài năm, chuyện CP làm ăn hiệu quả hay có thông tin tích cực đột biến có thể “kéo trần” 5-7 phiên đã khó chứ đừng nói đến hàng chục phiên như hiện nay. Còn bây giờ, đảo một vòng các mạng xã hội, nhóm chat chứng khoán sẽ thấy liệt kê nhan nhản “hàng nóng”, bất chấp những rủi ro. Có thể kể ra nhiều nguyên nhân, nhưng cần chú ý đến hai tiêu chí sau:

Thứ nhất: Thử theo dõi giá trị giao dịch của một vài CP vốn hóa từ nhỏ đến trung bình, tăng kịch trần liên tục những ngày gần đây, sẽ thấy trung bình khoảng 100 tỷ đồng/phiên. Mức giá trị giao dịch này thậm chí bằng thanh khoản của những CP vốn hóa lớn, đầu ngành của những năm trước đây. Còn 100 tỷ đồng so thanh khoản hiện nay lên đến 30-40 nghìn tỷ đồng/phiên thì như thế nào, rõ ràng là chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 1% thanh khoản toàn thị trường. Nhưng 100 tỷ đồng thừa sức làm cho một CP vốn hóa từ nhỏ đến trung bình “nóng” lên và tăng kịch trần nhiều phiên. 

Thứ hai: Việc rất nhiều NĐT mới tham gia thị trường hiện nay (NĐT F0) là những bạn trẻ dưới 40 tuổi, sử dụng mạng xã hội và thiết bị di động cũng đã tạo kiểu đầu tư theo “trend” (xu hướng) giống như các trend trên mạng xã hội. Trào lưu “CP càng lỗ” càng tăng giá thông qua mạng xã hội cũng đã được khuếch đại và lan rộng cực mạnh. Đã có những CP mà theo các chuyên gia và các NĐT dày dạn kinh nghiệm chỉ ra rằng, việc tăng giá là quá phi lý, nhưng cuối cùng vẫn tăng liên tục. 

Như vậy, thanh khoản lớn theo “trend” là nguyên nhân quan trọng để tạo ra cơn sốt CP nóng bất chấp cảnh báo. Thậm chí, có NĐT còn “phản biện” rằng, thị trường là như vậy, miễn sao… có lãi là vui, mua/bán hợp lý là được. Những rủi ro tiềm ẩn từ những CP nóng hiện nay sẽ là rất lớn, bất chấp NĐT có thể lãi lớn từ nhóm này. Mấu chốt của vấn đề sẽ nằm ở suy nghĩ “chứng khoán dễ ăn”, theo đó, nhiều NĐT F0 hiện nay đã có một cái nhìn giống với những NĐT kỳ cựu hơn chục năm trước. Hệ quả là những kỹ năng quản trị rủi ro, bảo vệ nguồn vốn sẽ không được củng cố. 

Nhiều NĐT của hơn 10 năm trước thậm chí đã phải bỏ luôn thị trường dù trước đó thắng lớn do không có khả năng thích ứng với sự thay đổi. Giai đoạn 2012-2015 có thể xem là khắc nghiệt bậc nhất khi NĐT phải có khả năng lựa chọn những CP tốt nhất và ra vào hợp lý để trước nhất là bảo toàn vốn, sau mới tính đến chuyện sinh lãi. Cuộc vui CP nóng chắc chắn phải đến lúc kết thúc, nhưng nếu đến lúc đó, NĐT F0 vẫn không trang bị những kỹ năng, nền tảng để chọn lọc CP có cơ bản tốt, mà chỉ trông chờ sự may rủi thì cái giá phải trả sẽ là rất lớn.