Vẫn hiện hữu cơ hội đầu tư

Thị trường chứng khoán (TTCK) sau chu kỳ điều chỉnh vẫn có những “điểm tựa” để kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực. Giới phân tích cho rằng, cơ hội đầu tư là triển vọng khi đỉnh dịch hình thành.

Dịch Covid-19 đã diễn ra được hơn một năm rưỡi và đã có đến bốn làn sóng, tác động đến kinh tế toàn cầu. TTCK là nơi phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT). Khác với năm 2020, khi phần lớn các quốc gia đều suy giảm kinh tế do dịch bệnh, năm 2021 đã có những quốc gia triển khai tiêm chủng ở mức cao, bắt đầu phục hồi kinh tế và sẽ là đầu tàu thúc đẩy kinh tế chung toàn cầu. Hiện tại, khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm nhưng vẫn cao hơn đáng kể so năm 2020 và các doanh nghiệp (DN) phân hóa mạnh mẽ về kết quả kinh doanh, NĐT sẽ cẩn thận lựa chọn các ngành có triển vọng phục hồi tốt, định giá vẫn còn hấp dẫn.

Dù TTCK chịu ảnh hưởng của một số rủi ro, nhưng nhiều DN hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng như trên thế giới trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 sẽ vẫn là những cơ hội đầu tư trung - dài hạn tiềm năng nhất. Cụ thể như các nhóm ngành với nhu cầu được dự báo tập trung vào giai đoạn cuối năm như: đồ gỗ, gia dụng, dệt may… hay các DN cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động XK như nhóm cảng biển - logistics; nhóm DN sản xuất hàng hóa tiêu dùng nhanh và hàng hóa thiết yếu như nhóm sản phẩm nông nghiệp, điện…

Quan điểm “đỉnh điểm của dịch bệnh chính là đáy của TTCK” đã được hình thành và kiểm chứng tại nhiều quốc gia và ngay cả ở Việt Nam cũng có phần đúng. Mặc dù vậy, điều khó khăn là chúng ta cần xác định được chính xác về khoảng thời gian khống chế và hình thành được đỉnh dịch để tránh bị “kẹp hàng”.

Điểm tựa giai đoạn này, theo giới phân tích, thứ nhất, với dịch diễn biến như hiện tại thì xu hướng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng, giảm lãi suất để hỗ trợ DN, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho TTCK. Thứ hai, xét về mặt định giá thì giá cổ phiếu đã giảm tương đối từ vùng đỉnh và trở nên hấp dẫn hơn. Thứ ba việc sau khi đỉnh dịch xuất hiện thì những ngành kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự mở cửa dần nền kinh tế như bán lẻ, hàng không, dịch vụ, xuất khẩu cũng có thể có sóng ngắn hạn.

Với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ hiện nay, Giám đốc Phân tích, Công ty CK VNDIRECT Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ được khống chế và dần thuyên giảm. Các DN cũng đang đẩy nhanh quá trình thích ứng tình hình mới, trong đó, nhiều DN sản xuất đã áp dụng “ba tại chỗ” và các biện pháp cần thiết khác để duy trì hoạt động, tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng và giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Kỳ vọng Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế trong những tháng cuối năm như các gói hỗ trợ cho người lao động và DN, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các biện pháp này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi. 

Hơn thế, trong bối cảnh dòng tiền nội suy yếu thì dòng tiền của NĐT nước ngoài lại đang có xu hướng quay trở lại trong giai đoạn giảm điểm vừa qua. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền cũng như ổn định tâm lý của các NĐT trong nước.