Tự chịu trách nhiệm

Có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) nắm bắt được cổ phiếu (CP) nào trên sàn là CP tốt, CP nào có vấn đề nhưng không phải ai cũng ứng phó một cách “chuẩn chỉ”. Và đến khi CP “có vấn đề” xảy ra sự cố như đã được cảnh báo thì lại có những NĐT bày tỏ thái độ tiêu cực và điều này gây ra nhiều hệ lụy.

Trước hết, cần phải biết rằng, rủi ro của những CP “hàng nóng” luôn song hành với khả năng tạo ra lợi nhuận. Nhưng dường như rất nhiều NĐT vẫn muốn thử vận may và khi may mắn giành chiến thắng thì lại quên luôn rủi ro hiện hữu. Trong khi đó, NĐT chưa tham gia thấy người đi trước gặt hái thành quả cũng lại... bất chấp rủi ro để tham gia. Đây là hiện tượng phổ biến trên thị trường và đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng không phải ai cũng lắng nghe.

Có hai nguyên nhân dẫn đến việc này: Thứ nhất, từ cảnh báo đến khi chính thức xảy ra luôn có “độ trễ” khác nhau, đôi khi vài ngày, có khi vài tuần hoặc vài tháng. Việc một vài CP nóng của dòng bất động sản bị bán tháo trong mấy phiên vừa qua thực chất đã được cảnh báo từ cả tháng trước. Nhưng vấn đề là sau khi các chuyên gia lên tiếng, giá CP nhóm này vẫn tăng, và vẫn có NĐT mua cao rồi bán cao hơn thành công, nên đã quên luôn những lời cảnh báo.

Thứ hai, đó là tâm lý “cao thủ” không bằng tranh thủ, việc tìm kiếm lợi nhuận có phần dễ dàng trong thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý chủ quan và tận dụng mọi thời điểm, bất chấp rủi ro. Một điều đáng lưu tâm là thống kê bán ra một CP nóng cách đây vài ngày có cả khối tự doanh của công ty chứng khoán. Vốn dĩ công ty chứng khoán đã có không ít bài học, kinh nghiệm về việc này. Việc “chơi hàng nóng” chưa bàn đến vấn đề lợi nhuận ra sao nhưng cũng cho thấy tâm lý “tranh thủ” dường như lan tỏa rộng khắp thị trường và cái giá phải trả là đương nhiên.

Việc cơ quan quản lý vừa có những quyết định xử lý mạnh tay với những giao dịch không tuân thủ quy định, thậm chí là mạnh tay chưa từng có tiền lệ là điều đáng hoan nghênh. Nhưng NĐT cũng nên nhớ rằng, đừng đợi cơ quan quản lý ra tay khi sự đã rồi, vì dám chắc rằng, cũng đã có những người mua CP nóng giá cao và chịu thiệt hại. Vì vậy, chính các NĐT cũng phải tự chịu trách nhiệm với giao dịch của mình. Nếu muốn tránh các rủi ro tiềm ẩn thì phải quyết liệt ngay từ ban đầu thay vì “chơi đùa” với rủi ro rồi tìm cách chạy trước. 

Trong trường hợp đã chấp nhận rủi ro, và thậm chí có được lợi nhuận thì đồng thời cũng phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận thua lỗ. Và thực tế, ngay cả NĐT chơi hàng nóng mà bán được ở đỉnh nhìn về dài hạn đã là may mắn. Vì nếu không thay đổi thói quen thì trong tương lai vẫn tiềm ẩn những rủi ro mà chỉ cần chủ quan sẽ phải trả giá.