Thị trường đã lạc quan hơn

Trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường (TT) đã lạc quan hơn nhiều xét về xu thế tăng điểm của chỉ số VN Index hoặc ít ra cũng tự tin hơn về cơ hội tăng điểm của các cổ phiếu (CP) có thông tin tốt, có câu chuyện riêng thay vì lo ngại các CP này cũng điều chỉnh khi TT điều chỉnh.

Cơ hội luôn rộng mở

Điều này thể hiện rõ nét nhất trong phiên giao dịch thứ năm, ngày 14/10, khi các CP trong rổ chỉ số VN 30 bị nước ngoài bán mạnh làm chỉ số chung mang sắc đỏ thì sắc xanh lại đến với rất nhiều CP dòng vốn hóa vừa, thậm chí nhiều CP tích lũy lâu có tin tốt, nhóm CP nhỏ tăng điểm từ xanh tới tím.

Chỉ mới trước đó vài ngày, nhiều nhà đầu tư (NĐT) còn kỳ vọng nhóm CP VN30 sẽ dẫn dắt đà tăng của TT nhưng nhóm này gặp áp lực chốt lời và dòng tiền chuyển sang nhóm CP vốn hóa vừa và nhỏ.

Dòng tiền xoay vòng rất nhanh. Nhóm NĐT trong nước là đối tượng mua ròng chính đối ứng với lực bán ròng của khối NĐT nước ngoài và tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán.

Diễn biến này đem lại cơ hội rộng mở cho những NĐT giao dịch lướt sóng nhưng cũng tạo ra rủi ro lớn cho những NĐT thiếu kinh nghiệm giao dịch khi mua đuổi có thể bị lỗ ngay và thường đứng trước áp lực cắt lỗ hoặc chờ đợi để sóng quay trở lại. Với những NĐT muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn thì khá phân vân bởi mặt bằng giá CP hiện nay không đắt nhưng cũng không rẻ.

Xu hướng tốt lên là phổ biến

Chọn gì cho quý IV là câu hỏi nhiều NĐT quan tâm. Thực tế, với P/E bình quân ở mức hơn 16,8 lần, cần lựa chọn CP của doanh nghiệp (DN) vừa định giá thấp hơn mặt bằng chung vừa có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận khi nền kinh tế phục hồi. Nhưng giá CP ở các nhóm ngành này cũng đã phản ánh một phần kỳ vọng. Vì thế đà tăng của CP phụ thuộc vào từng DN cụ thể.

Điều này đòi hỏi các NĐT dài hạn vừa kiên nhẫn với biến động nhấp nhô trong ngắn hạn của giá CP vừa phải theo dõi sát hoạt động của DN qua các kênh để xác định thời điểm chốt lời hay cơ cấu danh mục phù hợp.

TT tiếp tục phân hóa mạnh. Tới nay, mức độ phân hóa còn thể hiện rõ ràng hơn khi trong cùng nhóm CP có những mã thị giá tăng mạnh, song có mã lại giảm khá sâu. Việc nắm giữ nhóm CP hưởng lợi từ tăng giá từ nguyên liệu đầu vào hiện tại cho thấy vẫn khá ổn nhưng câu chuyện tăng giá nguyên vật liệu chỉ mang tính chu kỳ. Đòi hỏi NĐT phải tỉnh táo nắm bắt thông tin kịp thời. 

Điểm thuận lợi chung của TT trong nước là sản xuất đang phục hồi. Chính phủ đã chuyển trọng tâm phòng, chống dịch sang kiểm soát dịch và thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Xu hướng tốt lên của các DN là phổ biến.

Điều đó khiến CP ở mặt bằng giá hiện nay khó giảm sâu nhưng việc nắm giữ CP nào cho chu kỳ tăng trưởng mới cũng có rủi ro khi những biến số của môi trường kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới khó đoán định như: tắc nghẽn vận tải hàng hóa, lạm phát, chính sách cung tiền…

Dù không thể chờ giá CP rẻ hơn nhưng NĐT cần kiên nhẫn và nhanh nhạy khi cơ hội kiếm tiền nhanh với tỷ suất sinh lời lớn trên TT không còn như giai đoạn trước.