Sự phân hóa diễn ra mạnh mẽ

Sau gần ba tháng tăng trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư (NĐT), thị trường (TT) bắt đầu có dấu hiệu chùng xuống và được dự báo sẽ phân hóa mạnh mẽ hơn trong tháng 7, khi các doanh nghiệp (DN) công bố báo cáo quý II - 2020.

Sự vận động của TT đã vượt qua những kỳ vọng ban đầu về nhịp hồi phục, với hành trình tăng điểm kéo dài gần ba tháng, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt. Giai đoạn TT tăng mạnh nhờ sự hưng phấn quá đà của dòng tiền, của NĐT mới, vượt xa các dự báo và phân tích, đánh giá về nền tảng cơ bản, kinh tế vĩ mô… dường như đã qua đi.

Bản chất của sự vận động trên được lý giải là nhờ sự dịch chuyển của dòng tiền nóng trong nền kinh tế. Đó là tiền nhàn rỗi của người dân, tiền của DN chưa đổ vào sản xuất, kinh doanh do những khó khăn của đầu ra… và khi cơ hội kiếm lời dần thu hẹp lại, dòng tiền cũng trở nên thận trọng hơn. Về xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN Index dự báo vẫn tiếp tục vận động trong vùng 860 - 880 điểm và đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu (CP) bước vào vùng quá mua do áp lực chốt lời ngày càng mạnh. Do đó, thanh khoản luôn duy trì ở ngưỡng rất cao trong giai đoạn nửa đầu tháng 6 là điều có thể lý giải.

Nhận định về xu hướng TT trong tháng 7, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Phan Dũng Khánh cho rằng, TT sẽ theo hướng đi ngang nhiều hơn với giao dịch quanh 900 điểm hoặc dưới mốc này. Lý do vì các dòng tiền trên TT đang yếu dần, nhưng các NĐT, đặc biệt các NĐT cá nhân, NĐT mới vẫn còn khá hào hứng với TT, kỳ vọng lớn và giữ CP khá nhiều, trong khi NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài lại kém hào hứng, khiến thanh khoản những ngày cuối tháng 6 thấp hơn nhiều so tháng 5 và đầu tháng 6.

Theo các chuyên gia, trong tháng 7, các DN bắt đầu bước vào đợt công bố báo cáo tài chính quý II, do đó sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn theo kết quả kinh doanh của từng DN. Sẽ không còn câu chuyện “cứ mua là thắng” dễ dàng xảy ra như thời gian trước và sự thận trọng sẽ lớn dần trong tâm lý chung của NĐT và ảnh hưởng khá nhiều tới dòng tiền nóng ngắn hạn.

Có thể thấy, một trong những yếu tố chi phối xu hướng TTCK tháng 7 tới là mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của các DN niêm yết đang bắt đầu và dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ. Thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các nhóm ngành ở các mức độ khác nhau khiến sự phân hóa diễn ra mạnh. Các ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất gồm: du lịch, dịch vụ hàng không, nông nghiệp, dầu khí... Không chỉ phân hóa theo từng nhóm CP mà ngay trong một ngành cũng sẽ có sự phân hóa rõ rệt, tùy vào hiệu quả kinh doanh của từng DN.

Dù không phải CP của DN nào cũng có diễn biến giá tỷ lệ thuận với dự báo kết quả kinh doanh quý II và sáu tháng đầu năm, nhưng đây vẫn là cơ sở quan trọng để NĐT nhận định về triển vọng tăng trưởng hay suy giảm của DN, từ đó điều chỉnh chiến lược đầu tư hợp lý hơn.