Niềm tin & mối lo lạm phát

Giá hàng hóa trên thế giới tăng cao có tác động không nhỏ tới Việt Nam khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, dẫn đến mối lo về lạm phát. 

Giá hàng hóa cơ bản tăng trong bốn tháng đầu năm 2021 trên quy mô toàn cầu có tác động đến mặt bằng giá nguyên vật liệu là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam. Thí dụ, giá sắt, thép tăng bình quân gần 24%, nhóm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 5 - 9%... Diễn biến tăng giá này khiến chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất (PPI) tháng 4-2021 tăng 4,64% so cùng kỳ năm trước và có thể còn tăng cao hơn trong tháng 5, nhưng ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chỉ ở mức thấp do cơ cấu rổ hàng hóa CPI và PPI là khác nhau, cũng như không phải ngành nào cũng có khả năng chuyển được hết mức tăng từ chi phí đầu vào đến giá thành. 

Còn về chuyện nhập khẩu lạm phát, khi giá cả hàng hóa thế giới tăng sẽ có tác động tới Việt Nam, nhưng ảnh hưởng như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Thí dụ, hiện nay, VND khá ổn định, thậm chí còn tăng giá nhẹ, nên ảnh hưởng từ tỷ giá là không có, chưa kể đến việc Việt Nam vẫn xuất siêu trong bốn tháng đầu năm. Trong ngắn hạn, lạm phát tháng 5 so cùng kỳ có thể tăng, do nền giá của giai đoạn tháng 5-2020 ở mức thấp, nhưng dự báo vẫn ở mức thấp hơn nhiều so mục tiêu của Chính phủ đề ra cho cả năm 2021 là 4%. Tính chung cả năm, ít có khả năng lạm phát vượt được ngưỡng này.

Lạm phát thường được hiểu theo nghĩa xấu, nên mọi người thường nghĩ lạm phát tăng thì thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ giảm. Nhưng theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng, TTCK chỉ xấu đi nếu lạm phát ở mức không kiểm soát được, đi kèm với việc tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Còn trong trường hợp triển vọng kinh tế hồi phục mạnh mẽ, đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa tăng theo, nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát, thì đó không phải là tín hiệu xấu.

Thực tế cho thấy, hiện chưa có dấu hiệu để nhà đầu tư (NĐT) mất niềm tin vào việc kiểm soát lạm phát, do đó, họ không bán tháo. Một logic tương tự là đối với đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây, niềm tin về việc Chính phủ sớm kiểm soát dịch ở mức cao, nên đến nay vẫn không có đợt bán tháo nào.

Do đó, theo quan điểm của giới phân tích, các NĐT không còn sợ lạm phát như năm 2008 hay năm 2011 và đây sẽ là động lực hỗ trợ cho đà tăng của TT, năm nay, dự kiến lạm phát ở mức 3,5%.

Dự báo, khi công cuộc kiểm soát dịch Covid-19 thành công, việc mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế sẽ là lúc dòng tiền được rút ra khỏi các TT đầu cơ. Khi đó, dù yếu tố cơ bản tốt lên, nhưng TTCK sẽ “giảm nhiệt”. Thậm chí, với đà tăng của TTCK hiện nay không dựa nhiều vào yếu tố nền tảng cơ bản, mà chủ yếu là nhờ dòng tiền, chênh lệch cung - cầu, nên TT có thể sẽ sớm điều chỉnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty CK Maybank KimEng cho rằng, mối lo lạm phát bắt đầu tăng lên trên toàn thế giới trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kinh tế phục hồi mạnh ở các nước lớn khiến giá cả leo thang, trong khi nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc vàng đang tăng giá trở lại cho thấy nhu cầu đầu tư an toàn, phòng chống lạm phát gia tăng, sẽ khiến các kênh rủi ro như CK, bất động sản bị ảnh hưởng.