Nghề IB

Nói đến các nghiệp vụ của công ty chứng khoán (CTCK), môi giới, phân tích hay tự doanh sẽ được đề cập đầu tiên. Tuy nhiên, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (gọi tắt là IB) mới được xem là khó nhất.

Nhân viên IB tư vấn cho khách hàng. Ảnh: HẢI NAM
Nhân viên IB tư vấn cho khách hàng. Ảnh: HẢI NAM

Yêu cầu cao

Một môi giới muốn thạo việc chỉ cần từ vài tháng đến một năm, một chuyên viên phân tích (analyst) cần khoảng hai năm để ra nghề. Nhưng theo ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc IB của CTCK HSC, thì để hiểu được nghề IB cần từ 5-10 năm. IB là cụm từ chỉ chung cho các nghiệp vụ bao gồm tư vấn doanh nghiệp, IPO, phát hành cổ phiếu (CP), bảo lãnh phát hành… Ðây đều là những nghiệp vụ rất khó và cũng chỉ xuất hiện ở khoảng chục CTCK mà thôi. Ðể trở thành analyst hiện nay ngoài những bằng đại học, cao học còn cần có cả những chứng chỉ thi rất khó đạt như chứng chỉ phân tích tài chính quốc tế (CFA) và vô số kinh nghiệm. Nhưng đòi hỏi về mặt bằng cấp của IB thậm chí còn hơn thế, ngoài bằng cấp thì kinh nghiệm còn phải ở những vị trí quản lý, điều hành doanh nghiệp (DN) mới có thể nói chuyện "tư vấn" với khách hàng.

Ðiều này cũng dễ hiểu, vì trong suy nghĩ của số đông, nhân viên IB đi "tư vấn" tất nhiên phải có cái gì hơn khách hàng, hơn DN thì mới có thể nói chuyện được. Ðiển hình như ông Phạm Ngọc Bích, cũng đã có nhiều năm làm việc tại Mỹ rồi khi về Việt Nam lại trải qua nhiều năm làm Tổng Giám đốc của Công ty quản lý quỹ Prudential Vietnam (hiện là Eastspring) rồi mới tham gia lĩnh vực IB. Một điểm nữa cũng đặc biệt quan trọng là mối quan hệ giữa những người làm IB và phía DN. Ðể có thể thực hiện một thương vụ tư vấn thành công, trước tiên nhân viên IB cần nắm thật chắc thông tin của doanh nghiệp, tất nhiên là phải sâu hơn cả báo cáo tài chính và cả những bí mật về kinh doanh. Ðiều này đòi hỏi cả hai phía đều phải có niềm tin lẫn nhau, mà đây lại là vấn đề không thể xây dựng trong một sớm, một chiều.

Rất mạo hiểm

Yêu cầu cao là vậy, nhưng ông Phạm Ngọc Bích khẳng định, thu nhập dành cho những người làm IB không phải lúc nào cũng tương xứng. Khi CTCK lớn và CTCK nhỏ cùng "đấu thầu" một thương vụ tư vấn phát hành, chất lượng dịch vụ cả hai bên như nhau, CTCK nhỏ muốn thắng sẽ phải giảm giá dịch vụ rất mạnh, tới mức thu nhập đem về chỉ đủ trả lương và trang trải chi phí đi lại. Và CTCK chưa mạnh về IB nếu muốn gầy dựng tên tuổi để chào giá cung cấp cao hơn sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Lương dành cho nhân viên IB ban đầu đương nhiên sẽ thấp, thấp hơn cả môi giới và phân tích và có lẽ người làm trong nghề này chỉ được cái tiếng "tư vấn" nghe là oách mà thôi. Ðương nhiên, một sinh viên mới ra trường hay người thiếu bằng cấp, kinh nghiệm sẽ phải hy sinh thu nhập và thời gian để khẳng định được chỗ đứng trong nghề IB.

Thực tế, ngay cả những CTCK cũng vẫn thường xuyên gặp thách thức trong nghề IB. Người đứng đầu bộ phận IB của một CTCK tốp đầu nhẩm tính, xét về mức độ rủi ro thì IB chắc chỉ thua đầu tư vào công ty tư nhân. Nghĩa là khi CTCK tiếp cận khoảng 10 doanh nghiệp, nói chuyện, thẩm định công ty và đưa ra giải pháp, sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian, nguồn lực, nhưng có khi chỉ khoảng 1-2 doanh nghiệp ký hợp đồng. Ðó là còn chưa kể đến việc một số doanh nghiệp tranh thủ khi CTCK "chào hàng" cũng có thể lấy luôn các ý tưởng từ CTCK để tự thực hiện một số nghiệp vụ. Những rủi ro này không chừa bất kỳ CTCK nào và tất cả chỉ có thể chấp nhận và kỳ vọng theo thời gian, quy mô và độ chuyên nghiệp được nâng lên thì thị trường IB sẽ lớn hơn để các CTCK có thêm nhiều cơ hội gia tăng nguồn thu.