Lợi cả đôi đường

Với giá phần lớn các cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) tăng mạnh, việc trả cổ tức bằng CP không chỉ làm “mát lòng” cổ đông (CĐ), mà còn giúp các NH tăng vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tiến tới Basel III như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam yêu cầu.

Trong suốt mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, rất nhiều NH đã trình ĐHCĐ việc chia cổ tức cho CĐ bằng CP. Trong đó, không ít NH đã chia cổ tức ở mức “khủng” và đều được các CĐ thông qua.

Lý do đơn giản là CPNH đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay với mức tăng ở nhiều mã trên dưới 50%, thậm chí có tăng gần 100%, mà NVB là một thí dụ. Trong khi đó, với các NH, việc chia cổ tức bằng CP sẽ giúp NH dễ dàng tăng vốn để tăng năng lực tài chính. Ngoài ra, khác với các ngành nghề khác, NH là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ quy định của NHNN, kể cả chính sách cổ tức chi trả cho CĐ.

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt là một giải pháp giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó là lý do các NH đồng loạt thực hiện chính sách trả cổ tức bằng CP. Cụ thể, tại ĐHCĐ năm nay, MSB trình CĐ thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng CP và CP thưởng với tỷ lệ 30%, trong khi với VIB là 40%. Thậm chí, HDBank sau khi chia cổ tức bằng CP và CP thưởng lên tới 65% trong năm 2020, năm nay tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức bằng CP 25%...

Hay tại SHB, NH này sẽ chi trả cổ tức bằng CP cho CĐ hiện hữu, với tỷ lệ 20,5%. Theo đại diện SHB, sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng. Việc này nằm trong lộ trình phát triển của SHB nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III…

Theo quy định của Nghị định 121/2020/NĐ-CP, nhóm NH được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn nhà nước, áp dụng với các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Quy định này là cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng CP, phát hành CP thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ.

Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ các NH ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để bảo đảm theo quy chuẩn quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II mà NHNN quy định. Việc tăng vốn sẽ giúp NH tăng bệ đệm thanh khoản, giúp ứng phó rủi ro trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, để sử dụng đồng vốn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cũng là áp lực không nhỏ đối với các NH, nhất là trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng.

Trong khi đó, ở góc độ NH, thứ nhất, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp NH nâng cấp hệ thống mạng lưới, tăng lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển NH số theo xu hướng 4.0. Thứ hai, việc tăng vốn sẽ giúp NH nâng cao hơn nữa nguồn lực tài chính, sẵn sàng thực thi các kế hoạch tăng trưởng cao theo chiến lược đề ra, đồng thời bảo đảm tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN.