Khối ngoại bán ròng

Việc “khối ngoại bán ròng” dù xét về mặt định lượng thì khó có thể gây ra tác động mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng lại có thể khiến một số nhà đầu tư lo ngại.

Chỉ là một bộ phận nhà đầu tư

Phiên giao dịch cuối tháng 11, khối nước ngoài mua vào 1.700 tỷ đồng và bán ra hơn 2.250 tỷ đồng tại sàn HoSE, nghĩa là khối này bán ròng hơn 550 tỷ đồng. Cũng trong phiên này, giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh tại sàn HoSE đạt hơn 32.500 tỷ đồng, GTGD thỏa thuận đạt gần 1.500 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, giá trị mua vào của khối nước ngoài chỉ tương ứng hơn 1/20 GTGD toàn thị trường, còn giá trị bán ra chỉ khoảng 1/15 toàn thị trường, thậm chí giá trị mua của khối này  cũng chỉ hơn vài trăm tỷ đồng so GTGD toàn thị trường. Nếu cộng cả giá trị mua lẫn giá trị bán của nhà đầu tư nước ngoài thì cũng chỉ bằng hơn 10% so tổng thanh khoản của sàn HoSE. 

Những thống kê nêu trên quá đủ để chỉ ra nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường và khó có thể gây ra tác động gì đến diễn biến của VN Index. Cũng chẳng phải do khối nước ngoài bán ra mà thị trường giảm hay mua vào thị trường mới tăng. Dẫn chứng rất rõ ràng là phiên 30/11, khối nước ngoài bán ròng, VN Index giảm 0,43% điểm số, nhưng phiên 24/11, khối nước ngoài bán ròng gần 900 tỷ đồng, VN Index vẫn tăng đến 1,72% điểm. Cần khẳng định lại một lần nữa, tỷ trọng giao dịch của khối nước ngoài chỉ chiếm một phần trên thị trường và điều này đã diễn ra từ lâu. Với lượng tiền dồi dào hiện nay thì nhà đầu tư trong nước thừa sức mua được lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài.
 
Cần nhìn tổng thể

Một điều quan trọng cần nói là khối nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam thì không chỉ có tham gia mua bán trên sàn mà có thể mua qua các đợt IPO, mua cổ phiếu chưa lên sàn, đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (private equity) hoặc mua bán, sáp nhập (M&A)… Không thể căn cứ số liệu giao dịch trên sàn để đánh giá được khi mà giá trị M&A trên TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng theo từng năm, trong khi đó, nguồn vốn đầu tư ở hình thức private equity vẫn đang săn tìm nhiều DN tốt và giải ngân mạnh. 

Lấy một trường hợp thí dụ, nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào một doanh nghiệp dưới sàn, sau một vài năm đưa công ty đó lên sàn và tiến hành thoái vốn, thì nhìn ở ngay trên sàn đây là việc bán ròng, nhưng tổng thể thì là hoạt động đầu tư và chốt lãi. Chưa kể khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì họ sẽ lại tái đầu tư vào doanh nghiệp khác. 

Việc đánh giá động thái của nhà đầu tư nước ngoài có lẽ đang trở thành một thói quen, mà khi nhận định thị trường chỉ mang tính chất… hoài niệm hoặc có thể nói là làm cho vui. Sẽ là phiến diện, thậm chí mạo hiểm nếu dựa vào động thái của nhà đầu tư nước ngoài để đánh giá hoặc phán đoán thị trường.