Góc nhìn điểm số

Phiên giao dịch ngày 3/12 ghi nhận việc VN Index giảm gần 39 điểm, xuống 1.443 điểm. Việc những phiên giao dịch có biến động vài chục điểm của VN Index vốn dĩ là bình thường nhưng dường như những phiên giảm vẫn có chiều hướng được “kịch tính hóa” hoặc “bi kịch hóa”. 

Trước tiên cần phải thấy là điều kiện thanh khoản hiện nay khiến cho thị trường dễ có những phiên biến động mạnh hơn trước rất nhiều. Nguyên nhân nằm ở việc thanh khoản lớn nên dòng tiền dễ có cơ hội tập trung ở vài cổ phiếu (CP) trụ cột, vốn hóa lớn và nếu các giao dịch diễn ra sôi động, dù có theo chiều mua hay bán, cũng sẽ khiến giá CP lên/xuống mạnh, từ đó khiến VN Index tăng giảm mạnh. 

Còn vì sao con số vài chục điểm biến động (tạm gọi là biến động 2 con số) lại có thể tác động mạnh đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư (NĐT) thì nguyên nhân nằm ở vấn đề thời gian. Đối với các NĐT mới gia nhập thị trường trong khoảng hai năm qua (NĐT F0), việc VN Index gia tăng từ mức 3 con số (trăm điểm) lên 4 con số (nghìn điểm) chỉ trong thời gian ngắn đã phần nào khiến nhóm này chưa kịp “quen” với những biến động. Trong khi đó, với một số NĐT kỳ cựu, việc chỉ quen với diễn biến trong khoảng 3 con số cũng khiến họ trở nên e dè trước những phiên biến động mạnh của thị trường mà điểm số lên đến vài chục.

Dẫn chứng, giả sử VN Index giảm khoảng 2%, nếu chỉ số này dao động quanh khu vực 900-1.000 điểm thì điểm số mất đi chỉ khoảng 15-20 điểm. Trong khi nếu ở ngưỡng 1.400 điểm thì 2% có thể tương ứng với khoảng 30 điểm. Mấu chốt ở đây lại là tâm lý của NĐT, có thể rất kỳ vọng, phấn khởi khi VN Index tăng vài chục điểm nhưng thậm chí còn bi quan hơn khi VN Index giảm với cùng tỷ lệ như vậy. Tâm lý dễ bị tác động trong ngắn hạn có thể khiến NĐT bán mạnh hơn nếu nhận thấy các dấu hiệu giảm của thị trường và ngược lại sẽ “xuống tiền” mạnh tay hơn nếu thấy VN Index có khả năng tăng, chẳng hạn tại các ngưỡng điểm như 1.400 hay 1.500 điểm.

Một yếu tố quan trọng cũng cần phải nhắc đến chính là việc giao dịch hợp đồng tương lai có tham chiếu theo diễn biến của VN30, mà VN30 thì cũng đồng biến với VN Index. Nghĩa là khi VN Index biến động mạnh, gián tiếp tác động đến VN30 thì các giao dịch phái sinh cũng sẽ sôi động hơn. Thị trường phái sinh biến động càng mạnh, cơ hội sinh lãi của NĐT càng lớn vì nếu dự báo VN30 giảm thì NĐT tiến hành mở vị thế bán (short) và dự báo tăng thì mua (long).

Trở lại với câu chuyện điểm số, theo ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3 của Công ty CK Phú Hừng (PHS) nhận định: “Chỉ số rất quan trọng, nhưng NĐT có thể mất lãi, thậm chí thua lỗ nếu chỉ nhìn theo diễn biến hằng ngày. Quan trọng tại thời điểm này là phải tìm được những CP tốt và có chiến thuật ra vào hợp lý”. Đồng quan điểm này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty CK KIS Việt Nam cũng cho rằng, khi nào thị trường đi ngang, diễn biến lình xình trong biên độ hẹp mới đáng ngại, vì lúc đó cơ hội sinh lãi sẽ rất thấp. Hiện nay, những phiên giảm mạnh đôi khi lại là cơ hội để NĐT có thể tái cơ cấu danh mục, bán cao, mua thấp, hoặc lựa chọn được những cổ phiếu giá tốt.